Số hóa tiền mặt

H.Hương 03/11/2021 06:20

Ngân hàng Nhà nước đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế tiền kỹ thuật số quốc gia. Điều này cho thấy tín hiệu cơ quan quản lý đang xoay trục tài chính sang “chính phủ không tiền mặt”.

Xây dựng quy định cụ thể ra sao?

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1813 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung về hành lang pháp lý và cơ chế chính sách cần hoàn thiện là nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Trước đó vào cuối tháng 6, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm “tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain” từ năm 2021 đến 2023. Như vậy tới nay, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chủ trì nghiên cứu đồng thời “tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain” (thường được gọi là tiền mã hóa) và tiền kỹ thuật số quốc gia.

Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm chính thức về “tiền kỹ thuật số quốc gia”, tuy nhiên, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và một số nước đang thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định, do ngân hàng trung ương phát hành. Dễ hình dung hơn, tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương (CBDC) phát hành là một loại tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số, được phát hành, kiểm soát và đảm bảo bởi Ngân hàng trung ương của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ có chủ quyền. Tiền kỹ thuật số ra đời nhằm “số hóa” tiền mặt, cung cấp một phương thức khả thi để kiểm soát nền kinh tế số, góp phần nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Tiền CBDC có đầy đủ các chức năng của tiền pháp định nên có thể trao đổi theo tỷ lệ 1:1 với các loại tiền truyền thống như tiền giấy, tiền gửi ngân hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, đặt ra vấn đề tiền kỹ thuật số ở thời điểm này là phù hợp, nhưng phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Một số ngân hàng Trung ương của các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản... cũng đã nghiên cứu và từng bước thực hiện thí điểm nhằm chống rửa tiền; giảm chi phí trong in ấn, sản xuất, lưu hành và bảo quản như tiền giấy...

Xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới

Nghiên cứu và phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia cũng được giới chuyên gia đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc xoay trục tài chính quốc gia theo xu hướng mới, tiến tới đưa VNĐ trở thành đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tiến gần hơn đến mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia và nền kinh tế số đến năm 2030 và xa hơn. Về lợi ích và tác động dài hạn của đồng CBDC trên nền tảng công nghệ Blockchain và sự đảm bảo bởi uy tín của Ngân hàng Nhà nước, có thể được phác thảo trên 6 lợi ích nổi bật như thúc đẩy thanh toán, giao dịch không dùng tiền mặt và sự phát triển của dịch vụ thanh toán, tài chính hiện đại nhờ sự thuận tiện, an toàn, tin cậy cao, chi phí thấp, hạn chế rủi ro của việc dùng tiền mặt, với chi phí phát hành và lưu thông cao, rủi ro kiểm đếm, tiền giả, không đảm bảo tiêu chí xanh, thân thiện môi trường, lây lan dịch bệnh,…Nâng cao vị thế của đồng tiền pháp định trong nước, gia tăng sức mạnh khi được tương thích với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới. Hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế, thông qua thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch số. Đặc biệt góp phần tăng cường khả năng đối phó với các hoạt động phi pháp như rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng, tội phạm mạng nhờ tính minh bạch và công khai hơn.

Ông Lực phân tích, bản chất tiền kỹ thuật số có chủ quyền quốc gia là hình thức “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt, nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, vẫn có thể tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Nhiều kỳ vọng được đặt ra, với dân số đông và trẻ cùng mức độ nhận thức và tiếp cận tiền điện tử cao, khả năng thành công của CBDC tại Việt Nam là rất lớn. Nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của giao dịch phi tiền mặt, tăng mức độ minh bạch và giúp chính phủ kiểm soát tốt hơn lượng cung tiền ra thị trường và các chính sách tài chính. Một khung pháp lý cho tiền điện tử nói chung và CBDC nói riêng là hết sức cần thiết để các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào thị trường này có thể yên tâm phát triển và sáng tạo, tạo tiền đề cho việc phát triển các mô hình kinh doanh mới mẻ như các mô hình tài chính phi tập trung có thể phát triển mạnh mẽ.

H.Hương