'Trái đắng' của làm giàu siêu tốc: Trách nhiệm thuộc về ai?
Dù đã có nhiều cảnh báo từ các khóa học kinh doanh online hay các khóa học làm giàu “siêu tốc” ngắn hạn nhưng không ít người nhẹ dạ, cả tin vẫn bị sập bẫy bởi những lời mời chào “đường mật”.
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người mất việc làm, rơi vào tình trạng khó khăn. Nắm bắt thời cơ này, nhiều khóa học online ngắn hạn dạy cách kiếm tiền, làm giàu nhanh chóng với những lời quảng cáo có cánh ngày càng nở rộ. Không phủ nhận, có điều bổ tích thu được từ các khóa học này nhưng cũng có không ít những bất cập, chiêu trò lừa đảo khiến nhiều người “tiền mất, tật mang”.
Làm giàu trong tưởng tượng
Thời gian gần đây, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều lời mời chào chia sẻ kinh nghiệm làm giàu hay các khóa học kinh doanh, dạy làm giàu nhanh chóng được mở ra từ những facebook của các “diễn giả”, “chuyên gia” trong lĩnh vực kinh doanh online. Không khó để tìm kiếm một khóa học làm giàu, cách thức kiếm tiền online phù hợp với mong muốn cá nhân trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo…
Đáng chú ý, để thu hút người học, những “diễn giả”, “chuyên gia” xây dựng hình ảnh, dùng lời hay ý đẹp với những cam kết “chỉ sau 20 phút hướng dẫn đã có thể kiếm tiền”, “chỉ cần một chiếc điện thoại với những thao tác cơ bản mỗi ngày bạn có thể thu về 1 đến 2 triệu mỗi ngày”, “nếu không đầu tư bây giờ thì đợi đến khi nào”, “không thành công không phải trả tiền”, “bí mật bán hàng trăm đơn mỗi ngày”…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các khóa học này không theo một lộ trình nhất định bằng văn bản, không thực hiện việc dạy kiến thức theo đúng cam kết, mà mục đích chính là thu tiền của người học rồi “đem con bỏ chợ”. Thực tế đã có nhiều chị em “bỉm sữa” có hoàn cảnh khó khăn vì nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết đã bị lợi dụng lòng tin khi tham gia vào các khóa học này.
Từng tham gia một khóa học làm giàu từ một “bậc thầy” trong lĩnh vực kinh doanh online, chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Hóa) cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vợ chồng chị Mai đều bị mất việc làm. Lo lắng gia đình không có thu nhập trong thời gian dài, chị lên mạng tìm kiếm cách thức kiếm tiền. Qua lời giới thiệu của người bạn, chị đăng ký một khóa học dạy bán hàng online ra hàng trăm đơn mỗi ngày.
Chị Mai cho biết, khóa học được dạy qua phần mềm Zoom. Buổi đầu, lớp học khá sôi nổi, “cô giáo” chia sẻ về những thành công của bản thân. Sau vài tháng kinh doanh thực phẩm chức năng online, “cô giáo” này đã mua được siêu xe và vài căn hộ trung cư, mỗi tháng kiếm tiền tỷ. Sang buổi thứ 2, “cô giáo” bắt đầu thu phí học “bí kíp kinh doanh online”. Thời điểm đó, chị Mai nộp 5 triệu đồng cho khóa học trong 15 buổi với mong muốn nhanh chóng kiếm được tiền trong mùa dịch. Tuy nhiên chỉ sau vài buổi học, thấy “cô giáo” liên tục mời chào học viên bỏ vốn nhập những sản phẩm mang thương hiệu mà “cô giáo” đã gây dựng nên chị Mai đã bỏ học giữa chừng.
Không như chị Mai, chị Lê Thị Hồng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) đã chi một khoản học phí khá lớn lên đến 50 triệu đồng cho học dạy bán hàng online, hình thức đào tạo 1:1, với cam kết đảm bảo thành công, có doanh số khủng và thu nhập gấp nhiều lần số tiền đã bỏ ra học. “Giáo viên” giảng dạy được giới thiệu tên Kim Thùy với nick facebook Kim Thùy. Bà Thùy nhận tiền học qua tài khoản cá nhân và trực tiếp đào tạo.
“Kế hoạch học trong 1 tháng nhưng thực chất chỉ được 3-4 buổi, kiến thức thì nông cạn, sơ sài. Vì lượng kiến thức không như mong muốn, cũng như không đúng theo cam kết ban đầu, tôi biết mình bị lừa nên đã liên hệ với “cô giáo” Thùy để đòi lại học phí và “cô giáo” Thùy có hứa trả lại tiền cho tôi. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8/2021 đến nay “cô giáo” đã bặt vô âm tín và tôi cũng không thể liên lạc được để đòi lại số tiền học mà mình đã đóng trước đó”, chị Hồng cho hay.
Đáng chú ý, theo chị Hồng, nhiều người theo học các khóa học online từ “cô giáo” Kim Thùy như chị Hồng cũng phải nhận “trái đắng”. Thậm chí, những người có khả năng tài chính đã bị “cô giáo” Thùy lôi kéo chi ra cả trăm triệu để nhập sản phẩm do chính “cô giáo” phân phối nhưng về bỏ xó vì không thể tiêu thụ được theo hình thức đa cấp biến tướng.
Tỉnh táo trước những lời “đường mật”
Thực tế đã có nhiều cảnh báo từ các khóa học kinh doanh online hay các khóa học làm giàu “siêu tốc” ngắn hạn. Khoảng cuối năm 2018-thời điểm các khóa học làm giàu nở rộ, sau khi một số cơ quan báo chí phản ánh về các khóa học này, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đã có văn bản yêu cầu các Sở LĐTB&XH tăng cường rà soát, xử lý các khóa học làm giàu lừa đảo để huy động tiền người học.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Lê Minh Thảo, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH Hà Nội đánh giá, các khóa học làm giàu này mang tính chất bồi dưỡng kỹ năng đơn thuần chứ không phải là đào tạo nghề.
Theo ông Thảo, hiện nay, trên mạng xã hội, các chiêu trò lừa đảo núp bóng dưới việc mua bán, dạy học online, chia sẻ kinh nghiệm rất nhiều. Việc nở rộ tràn lan này cũng dẫn đến việc khó kiểm soát.
“Học để có thêm kiến thức bổ ích là điều tốt nhưng học làm giàu một các nhanh chóng, “siêu tốc” thì không dễ, nếu được như vậy thì ai cũng muốn bỏ nghề mình đang làm để theo học những khóa học này. Vì vậy, người dân không nên hám lợi, mà hãy sáng suốt, tỉnh táo trước những lời “đường mật” từ quảng cáo trên mạng, chắt lọc thông tin, tìm cho mình chương trình học phù hợp với điều kiện bản thân”, ông Thảo khuyến cáo.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội phân tích, những khóa học kinh doanh online như nêu ở trên được mở ra có 2 loại: theo chức năng của đơn vị đào tạo được cấp phép hoặc đào tạo theo nhu cầu nội bộ, không chính thống qua mạng xã hội. Nhưng thực tế, đa phần các khóa học này thuộc loại 2, “chém gió”, lừa tiền người học.
Lý giải nguyên nhân người dân dễ bị sập bẫy tham gia các khóa học làm giàu siêu tốc dù đã có nhiều bài học từ thực tế, TS Phong cho rằng, người dân hiện đang thiếu kiến thức về kinh doanh. Hơn nữa, có nhiều người ham làm giàu, khát vọng được làm giàu càng nhanh càng tốt, nên chỉ vài mánh khóe, chiêu trò hoặc vài câu “chém gió”, kẻ lừa đảo dễ dàng kích thích, dụ dỗ, đánh trúng tâm lý những người nhẹ dạ, cả tin.
TS Phong nhìn nhận, vấn đề quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng chưa có sự kiểm soát nghiêm ngặt. Đối với những khóa học online có dấu hiệu lừa đảo lấy tiền, không đúng theo cam kết sẽ bị xử lý theo luật dân sự hoặc hình sự tùy theo từng mức độ. Tuy nhiên, theo TS Phong, quan trọng nhất là cần cảnh báo, tuyên truyền tới người dân để có nhận thức đúng đắn và cảnh giác, không mắc phải những chiêu trò lôi kéo, lừa đảo trên mạng.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, nếu một cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội, mở các khóa học dạy bán hàng trực tuyến, thu tiền từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà phát sinh thu nhập vượt mức giảm trừ thì đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp không kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ, thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi hóa đơn hoặc trốn thuế.
Luật sư Đăng Sơn cũng cho biết, hình thức mở lớp dạy online trên các trang mạng xã hội, hiện không chịu sự quản lý của ngành giáo dục. Các chương trình dạy học và kiến thức này cũng không có sự kiểm chứng về nội dung, do vậy, mọi người cần phải thận trọng khi lựa chọn các hình thức học như vậy.
Trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, các cá nhân có quyền khởi kiện dân sự khi cho rằng một bên đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng, người tham gia khóa học có thể tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản các theo quy định tại Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự.