Thế giới vẫn chưa dứt tranh cãi về khẩu trang
Khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện, thế giới đã chứng kiến sự lưỡng lự trong việc sử dụng khẩu trang từ các chính phủ và Tổ chức Y tế thế giới, bởi lo ngại rằng, việc đổ xô sử dụng khẩu trang sẽ khiến các y, bác sĩ tuyến đầu không đủ thiết bị bảo hộ. Nhưng khi thấy rõ chiếc khẩu trang có tác dụng thế nào đối với việc ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, quan điểm này đã thay đổi.
Những tranh luận trái chiều
Khi Covid-19 mới xuất hiện, phần lớn các nước phương Tây đã làm theo một phương pháp phòng dịch giống nhau để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, việc tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19 đã khiến các quốc gia phải đóng cửa đất nước, du lịch quốc tế bị hạn chế. Mặc dù những biện pháp phòng dịch trong nước thường xuyên gây tranh cãi thì các hình thức như giãn cách xã hội, rửa tay và đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích mạnh mẽ. Dù vậy, mỗi quốc gia vẫn có những cách phòng ngừa dịch bệnh khác nhau, khẩu trang chỉ là một ví dụ về cách tiếp cận ngày càng khác nhau của thế giới đối với Covid-19.
Công dụng của những chiếc khẩu trang đã được giới khoa học chứng minh khá rõ ràng và ngày càng trở nên đóng vai trò quan trọng khi dịch tiếp tục bùng phát mạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khẩu trang làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Dù vậy, các cuộc tranh luận vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia về việc sử dụng khẩu trang. Thậm chí, một số khu vực gần đây đã xóa bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi đông người.
“Khẩu trang vẫn là biểu tượng của một xã hội bị chia rẽ giữa những người cảm thấy bị hạn chế quá nhiều và những người cảm thấy không đủ an toàn trong đại dịch”, ông Simon Williams, một giảng viên cấp cao về các hành vi Covid-19 tại Đại học Swansea ở Wales, nói với CNN.
Với viễn cảnh về một đợt bùng phát khác của đại dịch vào mùa đông năm nay, một số quốc gia đang vật lộn với những lời kêu gọi sử dụng khẩu trang trở lại. Nhưng họ phải đối mặt với sự phản đối của không ít người về vấn đề này. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, việc áp đặt lại các biện pháp phòng dịch đối với các quốc gia đã nới lỏng có thể khó khăn hơn.
Thay đổi hành vi
Ngoài khu vực Đông Nam Á, nơi mà người dân rất chú trọng với việc đeo khẩu trang ngay từ khi dịch SARS bùng phát hồi năm 2002, còn lại phần lớn các quốc gia không quen với việc che mặt ở nơi công cộng. Nhưng cú sốc của đợt bùng phát Covid-19 đã khiến các hành vi nhanh chóng thay đổi.
Ông Simon Williams nói: “Các nhà nghiên cứu về hành vi xã hội và các nhà hoạch định chính sách đã khá ngạc nhiên về tốc độ thay đổi nhanh chóng quan điểm về khẩu trang, mọi người chấp nhận đeo nó ngay khi được yêu cầu”.
Nhưng hiện nay, mặc dù nghiên cứu khoa học về khẩu trang cơ bản đã được mở rộng, thì các quốc gia vẫn đang đi theo nhiều hướng khác nhau.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã coi khẩu trang là “trụ cột chính” trong phản ứng với Covid-19 từ chính quyền của ông. Chính quyền Biden đã tuân theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) trong các khuyến nghị về khẩu trang, đưa chúng trở thành tài sản liên bang và khuyến khích các trường học sử dụng. Nhưng ông Biden vẫn phải đối mặt với những trở ngại từ một số bang như Florida.
Ở châu Âu, quy định về sử dụng khẩu trang đã được đưa ra chặt chẽ ngay cả khi một số quốc gia đã kiểm soát được các ca mắc mới. Những người chưa tiêm chủng sẽ phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt hơn khi tham gia các hoạt động tại không gian trong nhà như nhà hàng và quán bar. Ví dụ, Tây Ban Nha yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà. Pháp gần đây đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang khi ra ngoài trời, nhưng quy tắc vẫn được áp dụng đối với không gian kín. Người Italia vẫn được yêu cầu che mặt trên các phương tiện giao thông công cộng (quy định khẩu trang ngoài trời hiện đã được dỡ bỏ).
Tuy nhiên, ở Anh, mặc dù có sự gia tăng mạnh mẽ về số ca mắc mới kể từ mùa hè năm nay, nhưng nước này cũng không còn yêu cầu người dân phải che mặt ở bất cứ đâu. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ông tôn trọng sự “lựa chọn cá nhân” trong vấn đề khẩu trang.
Từ quy định trở thành thói quen
Các chuyên gia cho biết, việc mọi người có đeo khẩu trang hay không phụ thuộc phần lớn vào các quy tắc được áp dụng.
Ông Ivo Vlaev, Giáo sư khoa học về hành vi tại Đại học Warwick (Mỹ) cho biết: “Ảnh hưởng lớn nhất của việc đeo khẩu trang chính là luật”. Ông Vlaev trích dẫn dữ liệu từ Công cụ theo dõi hành vi Covid của Đại học Imperial College London, nghiên cứu có quy mô lớn nhất về tác động xã hội của Covid-19 trên thế giới: “Đeo khẩu trang là một hành vi thực sự bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực xã hội, hoặc áp lực từ người thân, bạn bè. Do đó, khi việc đeo khẩu trang không còn là việc bị bắt buộc mà bạn vẫn thực hiện, điều ấy sẽ ảnh hưởng đến những người không đeo khẩu trang. Điều này được minh họa rõ ràng khi thời điểm bắt buộc đeo khẩu trang ở Anh được công bố” - Giáo sư Vlaev nói và lưu ý, việc sử dụng khẩu trang tăng nhanh vào năm ngoái, cùng với đó, một sự sụt giảm đột ngột không kém kể từ tháng 7 khi quy định này bị loại bỏ. Nhưng khi công chúng chấp nhận các quy định của luật pháp, những thông tin không rõ ràng về việc sử dụng khẩu trang có thể gây hoang mang.
Chính phủ Anh hiện đang phải đối mặt với một thử thách khi họ cố gắng khuyến khích người dân đeo khẩu trang trở lại mà không cần sự hỗ trợ của luật pháp, khi các ca nhiễm có thể gia tăng vào mùa đông.
Bộ trưởng Y tế của Vương quốc Anh, Sajid Javid, gần đây đã kêu gọi mọi người đeo khẩu trang trong một số tình huống nhất định để tránh những rủi ro trong tương lai. Nhưng ông cũng thừa nhận, việc công chúng đặt câu hỏi tại sao giờ đây họ lại được khuyến khích đeo khẩu trang là “công bằng”, bởi ngay cả các nhà lập pháp xuất hiện tại Hạ viện cũng đã không sử dụng khẩu trang.
Chính suy nghĩ đó đã khiến hầu hết các quốc gia ở châu Âu đưa ra chính sách nhất quán hơn về khẩu trang. Và khẩu trang đã dần trở thành một thói quen theo thời gian.
Ông Williams, một giảng viên cấp cao về các hành vi Covid-19 tại Đại học ở Xứ Wales cho biết: “Sự thành công lớn nhất của việc thay đổi nhận thức về khẩu trang trong đại dịch là việc mọi người chấp nhận rằng, chiếc khẩu trang bảo vệ cộng đồng và chính họ”.