Đừng đùa với pháp luật
UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn thành phố, tập trung vào công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Vậy là sau nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí có cả răn đe đối với các chủ đầu tư yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì chung cư cho ban quản trị (BQT) các tòa nhà không hiệu quả, lần này TP Hà Nội quyết định “mạnh tay”. Lãnh đạo Hà Nội kỳ vọng đây sẽ là “cú hích cuối” để các chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì.
Tất nhiên “nước đi” này của TP Hà Nội sẽ khiến nhiều chủ đầu tư các tòa nhà chung cư toát mồ hôi, không còn dám trì hoãn, chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư của các cư dân nữa. Nói suông có thể còn chưa sợ, nhưng đã động đến pháp luật và có nguy cơ ngồi tù thì tin chắc chẳng có ai còn dám nhu nhơ với kỷ cương phép nước nữa.
Dù Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006, nhưng đến nay có tới hàng trăm chủ đầu tư các tòa nhà chung cư chây ỳ, không chịu “nhả” ra kinh phí bảo trì đã thu của người mua nhà. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước dù công trình đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, khiến cư dân không được cấp sổ hồng.
Đó chính là lý do cứ lâu lâu lại xuất hiện một vụ tập trung đông người căng băng rôn, biểu ngữ trước tòa nhà chung cư, hay trước cửa đơn vị chủ đầu tư, thậm chí cả ở trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Nhiều chủ đầu tư coi như không nghe, không thấy, mặc cho các cư dân năm lần bảy lượt yêu cầu bàn giao phí bảo trì chung cư cho BQT tòa nhà. Nhiều cuộc gây mất ổn định trên địa bàn khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc hòa giải, nhưng rồi sau đó mọi việc vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu, bởi không ai “bắt” được chủ đầu tư trả tiền.
Mới đây thôi, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận, buộc 12 chủ đầu tư phải trả tiền vào tài khoản bảo trì theo quy định, đồng thời chuyển giao ngay cho BQT của tòa nhà quản lý, với tổng kinh phí lên tới gần 345 tỷ đồng. Mới chỉ “điểm sơ” đã có hàng chục chủ đầu tư bị “thổi còi” với số tiền hàng trăm tỷ đồng, vậy thực tế sẽ như thế nào?
Song, ngay cả khi thanh tra của bộ, ngành, địa phương có ban hành kết luận, buộc chủ đầu tư hoàn tiền bảo trì chung cư cho BQT tòa nhà, thì chưa chắc họ đã chấp hành. Thực tế cho thấy có nhiều cuộc tranh chấp phí bảo trì giữa cư dân trong tòa nhà với chủ đầu tư dù đã được cơ quan chức năng phân xử, chủ đầu tư vẫn chây ỳ không thực hiện.
Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nếu chủ đầu tư không thực hiện kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì cũng không ai làm gì được họ. Dù là Thanh tra Bộ Xây dựng hay Sở Xây dựng các địa phương thì cũng không thể bắt các chủ đầu tư móc tiền trong túi ra được. Để buộc chủ đầu tư phải trả lại phí bảo trì, các cơ quan chức năng cần cưỡng chế thi hành.
Song, lâu nay hầu như chưa có tiền lệ cưỡng chế thu hồi phí bảo trì cho cư dân ở các tòa nhà chung cư. Mới đây mới có một vụ UBND TP Hà Nội ủy quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng cưỡng chế chủ đầu tư buộc trả lại kinh phí bảo trì. Vì thế, dư luận hy vọng “chiếc roi” hình sự sẽ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh để các chủ đầu tư biết sợ, không còn dám khinh nhờn pháp luật nữa.