Kiểm tra trực tuyến: Chủ động để tránh gian lận
Dự kiến trong tuần này các trường học tại Hà Nội sẽ chuẩn bị cho học sinh kiểm tra giữa kỳ. Trừ một số đầu hoặc cuối cấp sẽ được ưu tiên đến trường học trực tiếp, nhiều khối lớp vẫn học trực tuyến. Một số phụ huynh lo lắng sẽ có yếu tố gian lận khi kiểm tra trực tuyến.
Băn khoăn từ phía phụ huynh
Có con đang học lớp 4 Trường Tiểu học Mai Động (Hà Nội), anh Trần Đức Mạnh cho biết định hướng của gia đình là đăng ký cho con vào trường điểm khi lên bậc THCS. Vì vậy, điểm thi giữa kỳ cũng là một trong những căn cứ để các trường tốp đầu xét hồ sơ khi tuyển sinh. Chuẩn bị cho bài kiểm tra trực tuyến sắp tới, vợ chồng anh xác định sẽ để con tự làm hoàn toàn, chỉ giúp đỡ nếu có trục trặc về mặt kỹ thuật nhưng anh băn khoăn không biết những gia đình khác thế nào.
“Cuối năm lớp 3, các con cũng kiểm tra giữa kỳ trực tuyến. Cô giáo chủ nhiệm lúc đó dù dặn kỹ về việc phụ huynh không làm bài Toán, Tiếng Việt, vẽ hộ con,… nhưng thực tế chính các bậc phụ huynh khi trao đổi trong nhóm riêng với nhau cũng thừa nhận thấy con làm sai nhiều, bố mẹ đứng cạnh cũng sốt ruột nhắc vài câu. Vậy là kết quả đâu còn hoàn toàn là của con nữa”- anh Mạnh băn khoăn.
Đây cũng là câu hỏi của nhiều phụ huynh khi chứng kiến một số cuộc thi trên mạng hiện nay dành cho học sinh (HS). Đơn cử, đa số HS lớp 1 chưa đọc thông, đếm thạo. Để hoàn thành 50 câu hỏi Toán học trong vòng 20 phút là cả một vấn đề, chưa nói đúng - sai. Nhưng thực tế, có những tài khoản làm đúng 50/50 câu hỏi trong vòng chưa đầy 4 phút. HS lớp 1 thi hay anh chị, bố mẹ các em thi là thắc mắc của rất nhiều người trong trường hợp này.
Cô giáo Thu Hằng (Trường Tiểu học Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng dù mới dạy các con trong hơn 1 tháng nhưng vì tiếp xúc trực tuyến hầu như hàng ngày, chấm bài và cả trò chuyện riêng với các con nên năng lực của mỗi HS đến đâu cô đều rõ cả. Vì vậy, khi thiết kế bài kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến, việc đầu tiên sẽ là xây dựng các đề kiểm tra phù hợp, dạy gì kiểm tra đó, tuyệt đối không đánh đố HS. “Bài thi cũng sẽ chỉ rơi vào những kiến thức đã học từ đầu năm đến giờ, không quá khó để các con có thể tự mình hoàn thành thay vì “vò đầu bứt tai” khiến bố mẹ phải ra tay giúp đỡ”- cô Hằng nói.
Trên thực tế, kiểm tra không đánh đố cũng chính là một trong những bí quyết để hạn chế yếu tố gian lận trong kiểm tra trực tuyến. Mặc dù yêu cầu các em bật camera, bật mic trong suốt quá trình làm bài thi song vẫn có thể xảy ra trường hợp nhờ người khác làm thay nên trước hết, giáo viên cần đề cao tính trung thực của HS cũng như trao đổi, thống nhất với phụ huynh về việc không can thiệp vào bài thi của con trong bất cứ tình huống nào, trừ khi hỗ trợ con về mặt kỹ thuật.
Khách quan, minh bạch trong đánh giá
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng đối với bài kiểm tra, đánh giá định kỳ, việc xây dựng ma trận cần phối hợp câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận theo tỷ lệ phù hợp. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp.
Đây cũng là gợi ý đối với các bài kiểm tra giữa kỳ được thực hiện theo các phương thức khác nhau như kiểm tra vấn đáp, trắc nghiệm, thuyết trình, thực hành, ra đề mở, viết bài thu hoạch theo quá trình, làm các sản phẩm, dự án học tập phù hợp…
Chẳng hạn, một giáo viên dạy Lịch sử ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, tùy khối lớp cô sẽ có yêu cầu kiểm tra giữa kỳ khác nhau. Chẳng hạn với khối 7, cô yêu cầu học sinh vẽ sơ đồ tư duy về một trong 3 chủ đề đã học là: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu; Sự suy vong của chế độ phong kiến và sự hình thành chủ nghĩa tư bản ở châu Âu; Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống phong kiến thời hậu kỳ trung đại ở châu Âu. Trong khi đó, với học sinh khối 8, các em được chọn làm bài tự luận về các chủ đề yêu thích khi tham quan qua website của các bảo tàng, khuyến khích các em quay thành video thuyết trình để trả bài kiểm tra giữa kỳ.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội cho biết, đối với các khối lớp được đi học trực tiếp từ tuần sau, việc kiểm tra giữa kỳ có thể lùi lại sau thời gian ôn tập, củng cố kiến thức. Còn các khối lớp khác, các trường đã chuẩn bị phương án kiểm tra giữa kỳ. Trong đó, các môn tự nhiên ưu tiên làm bài kiểm tra trắc nghiệm, có thể sử dụng phần mềm Azota tạo đề và chọn khung giờ kiểm tra. Đối với những lớp HS khó sử dụng thiết bị trực tuyến và đối với các môn tự luận, có thể làm bài ra giấy và chụp ảnh, gửi lên ứng dụng để giáo viên chấm.
“Việc ra đề kiểm tra giữa kỳ với HS học trực tuyến không chỉ đảm bảo yêu cầu về kiểm tra, đánh giá được năng lực HS mà phải đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch. Bởi khi học trực tuyến, có những HS thiệt thòi hơn vì mức độ tiếp cận kiến thức khác nhau nên giáo viên cũng cần có những linh động, hướng dẫn phù hợp với từng em”- ông Oanh cho hay.
Ông Oanh cũng cho rằng, vai trò của phụ huynh khi HS học trực tuyến là rất quan trọng vì thực tế, không gian học của các em là ở nhà. Khi kiểm tra trực tuyến, các em cũng thực hiện ở nhà nên phụ huynh đóng vai trò giám sát, giúp đỡ các em bằng cách khích lệ, động viên, tạo không gian yên tĩnh để các em làm bài thi thay vì thi hộ, nhắc bài... Phụ huynh càng gương mẫu bao nhiêu thì càng tốt cho con bấy nhiêu. Học là một quá trình nên một, hai bài kiểm tra điểm cao do gian dối cũng không thể vực HS đó lên được.