Đại học tăng học phí: Lo lắng khi chọn trường
Tự chủ là xu hướng của các trường đại học (ĐH), trong đó việc tăng học phí thường được coi là đương nhiên. Song đây lại là vấn đề lớn khi người dân còn khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Đại học Quốc gia TP HCM tiếp tục có thêm 1 trường thành viên là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn được thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tăng học phí từ năm 2022. Cụ thể, mức học phí của nhóm ngành Khoa học xã hội và nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch lần lượt từ 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học và 21-24 triệu. So với học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ ĐH hiện nay, học phí theo đề án tự chủ tăng khá mạnh (năm học 2021-2022 học phí trung bình từ 9-10 triệu đồng/ năm/ sinh viên).
Trước đó, 4 trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP HCM cũng đã được phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ ĐH và tăng mạnh học phí từ năm học này ở tất cả các ngành đào tạo. Đơn cử, ĐH Bách khoa TP HCM có mức học phí chương trình đại trà tăng hơn gấp đôi - từ 12 triệu đồng một năm lên 25 triệu đồng (tương đương 2,5 triệu đồng mỗi tháng cho năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ hai và lên 30 triệu đồng ở năm thứ ba, giữ nguyên trong năm cuối…
So với các trường ĐH dân lập hoặc nhiều trường ĐH công lập tự chủ khác thuộc khối ngành y dược, mức học phí này chưa phải là cao nhất. Song đối với người học đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, mức học phí tăng gấp đôi so với những năm học trước trong hoàn cảnh dịch bệnh, cuộc sống khó khăn cũng là vấn đề đau đầu của nhiều gia đình.
Chị Nguyễn Phương Thanh (quận Thủ Đức, TP HCM) có con đang học lớp 12 bày tỏ lo lắng vì suốt mấy tháng qua thành phố giãn cách, lương từ công việc kế toán của chị cũng giảm đi một nửa. Chồng chị có cửa hàng bán đồ điện nước cũng mới mở cửa trở lại nên thu nhập cả nhà rất bấp bênh. Trước việc lựa chọn lối đi nào sau tốt nghiệp THPT của cậu con trai đầu, anh chị rất băn khoăn vì con thích học ngành kỹ thuật, muốn theo học ĐH nhưng học phí mấy chục triệu/năm trong khi dưới còn 2 người con nữa, chị cũng chưa biết xoay xở ra sao.
“Trước đó, con có xin thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM, chúng tôi cũng cân nhắc vì từ năm nay, học phí của trường ĐH Bách khoa TP HCM con muốn xét tuyển đã tăng gấp đôi. Tôi đang động viên con cố gắng học tốt để giành học bổng, giảm bớt chi phí phải nộp nếu đỗ được trường con mơ ước”- chị Thanh nói.
Trên thực tế, với thu nhập của nhiều gia đình ở nông thôn hoặc ở ngay tại các thành phố lớn sẽ khó khăn trong việc vừa đóng học phí, vừa lo chi phí sinh hoạt hàng ngày trong suốt quá trình học tập. Không phải gia đình nào cũng thuộc hộ chính sách để làm thủ tục vay vốn cho con đi học. Đấy cũng là lý do mà trong mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều học sinh chọn đăng ký xét tuyển vào trường ĐH sư phạm do chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí trong suốt 4 năm ĐH. Tuy nhiên, không phải mọi người học đều có đam mê với nghề giáo nên khi rẽ nhánh sang các ngành học khác, nỗi băn khoăn khi học phí tăng và tăng theo từng năm khiến nhiều gia đình lo lắng.
Nhìn nhận vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, ở hầu hết các nước trên thế giới, nhà nước chỉ có thể bao cấp cho giáo dục bắt buộc, còn giáo dục không bắt buộc thì người học phải tự chi trả hoặc cùng chia sẻ với nhà nước. Do đó việc tăng học phí ở các trường đủ điều kiện tự chủ là bắt buộc. Vấn đề là nên tăng theo lộ trình và công khai để người học được biết và có lựa chọn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình mình.
Ông Thuyết cũng đưa ra lời khuyên, người học nên cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với năng lực bản thân, để khi ra trường có thể nhanh chóng tìm việc làm; đồng thời tận dụng tối đa nguồn tín dụng dành cho học sinh, sinh viên.