Thu phí ô tô vào nội đô: Cân nhắc thời điểm
Phương án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố của Hà Nội và TP HCM đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra như: Việc thu và mức phí ra sao? Xe nào được miễn phí? Có nên thu vào giai đoạn này không?
Chuyên gia ngành giao thông Phan Lê Bình: Khó có thể giảm 20% nhu cầu giao thông
Với đề án thu phí xe vào nội đô thì Hà Nội cần sự đánh giá định lượng, xem với mức thu phí 10 nghìn đồng thì nhu cầu giao thông sẽ giảm bao nhiêu, 20 nghìn đồng sẽ giảm bao nhiêu mới có thể thấy được tác dụng của việc thu phí. Việc này cần có tính toán con số cụ thể. Tôi cho rằng, việc thu phí đi qua vành đai 3 chỉ có thể giúp giảm ù tắc từ 5 đến 7 % nhu cầu giao thông hằng ngày. Không có một biện pháp nào có thể kéo giảm đến 20- 30% nhu cầu giao thông của người dân. Phải thực hiện nhiều biện pháp và đồng bộ mới có thể giảm được tình trạng ùn tắc giao thông. Với bối cảnh giao thông như hiện nay, việc thu phí để có thể giảm từ 10 - 20% nhu cầu giao thông là khó khả thi.
Cứ “giờ G” lại kẹt xe
Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư, dù có chủ trương quy hoạch từ rất lâu. Đó là câu chuyện quy hoạch tuyến đường huyết mạch Nguyễn Duy Trinh nối 6 phường của TP Thủ Đức (TP HCM), cùng các kết nối với hai cảng lớn Phú Hữu (quận 9 cũ) và Cát Lái (quận 2 cũ, nay là TP Thủ Đức).
Ông Nguyễn Văn Chung (53 tuổi, ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) là chủ một quán cà phê cho biết: “Tôi mở quán cà phê để kinh doanh gần 10 năm nay cạnh vòng xoay Phú Hữu nhưng thường xuyên chứng kiến cảnh kẹt xe tại khu vực này vào các khung giờ cao điểm buổi sáng (8-9h) và buổi chiều (17 – 20h). Địa phương đã nhiều lần họp dân về mở rộng con đường Nguyễn Duy Trinh nối vào cảng Phú Hữu nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Theo ông Chung, dù vài năm trở lại đây cảng Phú Hữu và cảng Cát Lái đã có một cầu liên cảng để giảm bớt áp lực giao thông cho tuyến đường Nguyễn Duy Trinh nhưng tình trạng kẹt xe vẫn thường xuyên tái diễn.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2 cũ, nay thuộc phường Cát Lái, TP Thủ Đức). Trong gần 5 tháng giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tuyến đường Đồng Văn Cống nối vào cảng Cát Lái thông qua khu vực vòng xoay Mỹ Thủy mới có được những ngày bình yên. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Sơn (35 tuổi, quê Tiền Giang), chủ một cửa hàng tạp hóa cạnh vòng xoay này cho biết, từ đầu tháng 10 khi thành phố nới lỏng giãn cách thì xe container ra vào đông đúc như trước thời điểm dịch bệnh.
Theo đại diện Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, từ năm 2018 thành phố chi thêm 1.150 tỷ đồng cho dự án đầu tư xây nút giao thông Mỹ Thủy (giai đoạn 2) để giảm áp lực giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái. Dự án gồm một cầu vượt trên đường vành đai 2 cho 4 làn xe; xây cầu Kỳ Hà (4 làn xe) và cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ (qua quận 7). Mặc dù vậy, đến nay khu vực vòng xoay Mỹ Thuỷ vẫn được coi là nút giao thông “tử thần” tại TP Thủ Đức. Khu vực này không chỉ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông mà còn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.
“Cứ có tai nạn là có thương vong. Cảng ở đây chủ yếu là xe container ra vào thường xuyên, trong khi cũng là tuyến giao thông huyết mạch từ TP Thủ Đức về huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), nên cảnh ùn tắc diễn ra như cơm bữa”, ông Sơn cho biết.
TS Đinh Thị Thanh Bình, Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải: Nhiều câu hỏi cần phải trả lời
Với đề án thu phí vào nội đô, phải trải lời được các câu hỏi như: Hiệu quả kinh tế - xã hội – môi trường của việc thu phí ra sao? Thu phí tác động đến đời sống của người dân thế nào? Do vùng thu phí rộng, mật độ giao thông trong khu vực thu phí cao nên điều kiện đảm bảo hệ thống thu phí mang lại hiệu quả giảm ùn tắc nhất thiết phải áp dụng đồng bộ với nhiều biện pháp quản lý phương tiện cá nhân trong khu vực thu phí như: Thực hiện chính sách quản lý đỗ xe cá nhân; siết chặt việc đăng ký phương tiện ô tô của người dân hoặc áp dụng hạn ngạch đăng ký xe trong khu vực thu phí...
Chưa phù hợp thời điểm
Thực trạng chậm đầu tư hạ tầng giao thông chỉ là một vấn đề. Việc triển khai thu phí vào trung tâm TP HCM cũng gặp vướng mắc rất lớn về lộ trình thực hiện. Đề án từng được đưa ra từ nhiều năm trước, đến nay khi TP HCM vừa nới lỏng giãn cách, nhà đầu tư lại tái đề xuất. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng có báo cáo gửi UBND thành phố về việc lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm (quận 1, 3).
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam cho rằng, Sở GTVT thành phố đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống thu phí, bao gồm vành đai khép kín quanh khu vực trung tâm thành phố theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Trong đó, phạm vi áp dụng thu phí vào khoảng 930 ha là rất rộng. Ngoài ra, việc lựa chọn ranh giới là vành đai khép kín, trong đó có đường Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng là chưa hợp lý. Lý do, đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối nhiều quận, huyện khu vực vành đai ngoài chứ không chỉ riêng vào các khu vực trung tâm thành phố. Do đó, nhiều người dân sẽ không di chuyển vào trung tâm thông qua tuyến này.
“Tôi cho rằng, chưa nên thông qua đề án thu phí vào thời điểm này vì việc thu phí có thể khiến người dân, doanh nghiệp phải thêm gánh nặng “phí chồng phí” sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài vì dịch bệnh, vốn đang rất khó khăn” - ông Ninh nêu quan điểm.
Việc thu phí vào trung tâm một đô thị lớn không phải là vấn đề mới mẻ mà hiện nay nhiều quốc gia đang áp dụng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chính quyền TP HCM cần cân nhắc kỹ lưỡng đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Trong đó, nên lùi thời gian thu phí và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, nhất là các đối tượng chịu tác động từ đề án là người sử dụng ô tô thường xuyên ra vào trung tâm thành phố.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu, Giám đốc công ty Bhome (quận 7, TP HCM), không chỉ cải thiện vấn đề hạ tầng giao thông vốn còn nhiều bất cập, cơ quan tham mưu đề án cần phải lượng hóa khả năng giải quyết ùn tắc giao thông, lưu lượng phương tiện “hậu” đề án và nhất là các lợi ích kinh tế so với đầu tư dài hạn, căn cơ về hạ tầng giao thông.
Việc thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM được ngành GTVT thành phố kỳ vọng sẽ giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tạo động lực thúc đẩy nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần cải thiện ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố nhiều năm qua. Mặc dù vậy, ngành GTVT cũng cần phải nhìn nhận, việc phát triển đô thị đang còn thiếu đồng bộ, giao thông công cộng chậm phát triển… đang là những rào cản trực tiếp đối với đề án kể trên.
Người dân lo “phí chồng phí”
Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, từ 7h sáng 3/11 hàng loạt tuyến phố lớn nhỏ của Thủ đô Hà Nội như: Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở, Tây Sơn - Tôn Đức Thắng, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu - Lê Văn Lương... cảnh ùn tắc đã kéo dài. Tại đường Nguyễn Trãi (đoạn nối lên cầu vượt Ngã Tư Sở) xuất hiện tình trạng quả tải giao thông theo hướng từ Hà Đông di chuyển vào trung tâm...Tại đườngTrường Chinh, do áp lực giao thông quá lớn, không thể kiên nhẫn với tình trạng ùn tắc kéo dài nên nhiều người và phương tiện đã leo lên vỉa hè...
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội về 36 điểm ùn tắc, nguyên nhân chủ yếu là do mặt cắt đường hẹp trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn. Một số nút giao dù đã được đầu tư mở rộng nhưng chưa có hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông dẫn đến các phương tiện đi lại lộn xộn.
Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), trong đó, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn thành phố.
Trao đổi về ý tưởng thu phí ô tô vào nội đô, anh Nguyễn Văn Trọng (phố Xốm, Hà Đông) cho rằng, hiện người đi xe ô tô đã phải đóng phí đường bộ, nếu thu thêm phí ra vào nội đô thì sẽ dẫn tới “phí chồng phí” trong khi việc giảm ùn tắc chưa chắc đã hiệu quả.
Chị Nguyễn Lan Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Chúng ta cần phát triển hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng, đường sá để đảm bảo di chuyển của người dân. Cùng với đó di chuyển các trường học ra các khu vực ngoại thành. Như vậy sẽ giảm ùn tắc, thông thương đảm bảo. Tuy vậy, cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để giải quyết hết những vấn đề trên. Chứ đưa ra đề án thu phí, cấm xe thì không giải quyết được vấn đề tận gốc mà làm ảnh hưởng tới người dân và phát triển kinh tế, xã hội.