U23 Việt Nam: Vẫn còn nhiều trăn trở
U23 Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra với ngôi nhất bảng sau 2 chiến thắng tại Vòng loại U23 châu Á. Vẫn còn nhiều trăn trở sau những gì họ thể hiện, nhưng thời gian để ông Park và Ban huấn luyện chỉnh sửa sai sót trước khi bước vào những giải đấu quan trọng trong năm 2022 vẫn còn…
Chiến thắng nhờ gặp may…
Trong trận đấu quyết định với U23 Myanmar, dù giành chiến thắng nhưng lứa cầu thủ trẻ của Việt Nam không để lại những ấn tượng tích cực nơi người hâm mộ với lối đá “bạo lực” và “thiếu đường nét”. Trong suốt trận đấu, cầu thủ bên phía Việt Nam có rất nhiều pha phạm lỗi và đánh nguội. Đội bóng của ông Park đã gặp may mắn khi trọng tài không rút thẻ đỏ sau tình huống Trần Văn Đạt phạm lỗi thô bạo với cầu thủ U23 Myanmar.
Huấn luyện viên Phạm Minh Đức đã nhận xét về hành vi này: “Nếu có VAR, Văn Đạt có thể nhận thẻ đỏ trực tiếp. Đây là pha bóng cố tình húc vai vào mặt, đây không phải đá bóng. Trọng tài nương tay, trọng tài biên gần như không tham gia vào tình huống. Theo luật phải thẻ đỏ”. Bởi vậy, có thể nói U23 Việt Nam đã gặp may. Nếu có VAR, rất có thể trọng tài sẽ xem lại tình huống và truất quyền thi đấu của cầu thủ U23 Việt Nam.
Bên cạnh đó, lối đá của U23 Việt Nam cũng không sắc nét và kém hấp dẫn so với thế hệ vàng ở Thường Châu năm xưa. Điểm sáng lớn ở U23 Việt Nam lúc này là vai trò không thể thay thế của Hai Long cùng sự tỏa sáng của tiền đạo Hồ Thanh Minh. Hai Long với những gì thể hiện đã cho thấy anh là quân bài chất lượng nhất và là điểm sáng của U23 Việt Nam.
Trước khi Vòng loại U23 châu Á 2022 bắt đầu với U23 Việt Nam, những cái tên được kỳ vọng sẽ toả sáng bao gồm Hoàng Anh, Xuân Tú và đặc biệt là Văn Đạt. Thế nhưng cả 3 cầu thủ này đều im hơi lặng tiếng trong cả 2 trận đấu. Bản thân Xuân Tú và Văn Đạt đều không đáp ứng được yêu cầu chuyển hoá cơ hội thành bàn thắng.
Mang nhiều sứ mệnh
U23 Việt Nam trở thành 1 trong 11 đội đầu bảng dự Vòng chung kết U23 châu Á 2022. Đây là lần thứ 4 liên tiếp, U23 Việt Nam dự Vòng chung kết U23 châu Á. Nhưng cách mà U23 Việt Nam thắng trầy trật U23 Myanmar và U23 Đài Bắc Trung Hoa khiến người hâm mộ vẫn chưa thể tin tưởng.
Khả năng tổ chức, dàn xếp tấn công của U23 Việt Nam còn quá đơn điệu và thiếu các phương án khác nhau để quyết đoán xuyên thủng hàng thủ đối phương. Còn về hàng thủ, dù “nanh vuốt” đến từ U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar chưa đủ sắc sảo nhưng một vài tình huống, khung thành của thủ môn Văn Toản vẫn phải ngả nghiêng. Sau những gì U23 Việt Nam thể hiện, lứa cầu thủ thế hệ 1999 - 2001 vấp phải sự chỉ trích không nhỏ và bị so sánh với lứa cầu thủ đàn anh...
Thực tế, U23 lần này thiệt thòi hơn đàn anh trong quá trình chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2022. Dịch Covid-19 khiến cho kế hoạch ra nước ngoài tập huấn trong năm 2020 và phần lớn năm 2021 của U23 Việt Nam bị dang dở. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các giải đấu trong nước phải rút bớt số trận và điều đó càng khiến cơ hội ra sân thi đấu nơi các câu lạc bộ của các cầu thủ trẻ này luôn ít.
Với U23 Việt Nam, hành trình vừa qua và cả tới đây chính là tìm cách khẳng định chỗ đứng. Áp lực của họ là lứa đàn anh quá tài năng và nhiều chiến thắng khiến các cầu thủ luôn ở tình thế bị so sánh. Thời gian từ nay tới khi họ bắt đầu tham dự giải đấu lớn vào năm sau vẫn còn đủ để ông Park có thêm thời gian uốn nắn các học trò.
Năm 2022 sẽ là năm mà U23 Việt Nam cực kỳ bận rộn với hàng loạt giải đấu lớn, từ SEA Games được tổ chức trên sân nhà với mục tiêu bảo vệ chiếc huy chương vàng rồi nối tiếp ngay sau đó là Vòng chung kết U23 châu Á và cuối cùng là ASIAD. Những giải đấu lớn và quan trọng này sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn của họ. Chính bởi vậy, cần nhìn nhận quá trình vừa qua của U23 Việt Nam mới dừng lại ở mức độ mài giũa ngọc thô. Những vấp ngã, những sai số sẽ là cơ hội để các cầu thủ nhận thấy lỗ hổng trong trình độ để có thể tiến lên trong tương lai.