Thanh tra đột xuất doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế
Đây là một trong những nhiệm vụ đáng chú ý được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đặt ra trong 2 tháng cuối năm.
Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương phối hợp với các cấp chính quyền, sở, ngành có liên quan tăng cường đôn đốc, thanh tra chuyên ngành đột xuất và kiểm tra các doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH, BHYT để yêu cầu đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương đề xuất UBND tỉnh, thành tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị không tham gia BHXH hoặc tham gia không đầy đủ cho người lao động trong đơn vị, nhưng vẫn quyết toán thuế thu nhập DN; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý với các đơn vị vi phạm theo điều 2 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng BHXH các tỉnh, thành đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát tại một số tỉnh phía Nam khiến nhiều DN phải ngừng hoạt động, số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động tăng cao.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, các quy định của pháp luật chưa phân biệt rõ giữa “trốn đóng” và “chậm nộp” BHXH, nên các DN lợi dụng chây ỳ, trốn tránh đóng BHXH, làm gia tăng nợ BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt những trường hợp nào là trốn đóng, trường hợp nào là chậm nộp. Đồng thời, có chế tài mạnh để xử lý nghiêm đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ hoặc chậm đóng BHXH.