Nhà máy gỗ gây ô nhiễm môi trường
Suốt 4 năm qua, gần 100 hộ dân ở xã Luận Thành, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phải sống chung với tình trạng ô nhiễm từ việc xả khói, nước thải ra môi trường của Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa.
Theo phản ánh của người dân các thôn Tiến Hưng, Liên Thành, Thống Nhất (xã Luận Thành), trong suốt 4 năm hoạt động trên địa bàn, Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa (DN Thanh Hoa) đã thường xuyên xả khói thải, nước thải ra môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân tại đây.
Theo tìm hiểu, vào khoảng năm 2016 - 2017, một doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn thôn Liên Thành phá sản, đã bán nhà xưởng chế biến gỗ diện tích hơn 20.000 m2 cho DN Thanh Hoa. Sau khi tiếp nhận xưởng chế biến trên, DN Thanh Hoa đã mở rộng sản xuất, xây dựng thêm 1 xưởng chế biến liền kề.
Được biết, DN này được cấp giấy phép kinh doanh số 3300314436, người đại diện pháp luật là ông Lê Quang Chuyền. Lĩnh vực sản xuất là các sản phẩm khác từ gỗ; sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện. Qua quan sát, các nhà xưởng chế biến gỗ của DN Thanh Hoa nằm cách các hộ dân 3 thôn nói trên chỉ khoảng vài chục mét.
Bà Chu Thị Duyên (57 tuổi, trú thôn Tiến Hưng), là hộ dân nằm cách nhà xưởng của DN Thanh Hoa khoảng 30m cho biết: Trong quá trình hoạt động, nhà máy chế biến gỗ thường xuyên đốt chất thải khiến khói đen mang theo mùi khét bay vào khu dân cư. Ngoài ra, họ còn tận dụng khu vực phía sau nhà máy có con sông Đằn để xả thải ra đó. Nước thải màu đen ngòm, đôi khi còn có váng dầu, nhiều khi cả một đoạn sông có màu đen kịt.
Theo ghi nhận trực tiếp tại hiện trường, những gì người dân phản ánh là hoàn toàn đúng. Qua quan sát, ống khói của nhà máy gỗ trên xả ra khói đen liên tục giữa thanh thiên bạch nhật. Dù đã đứng cách xa hàng trăm mét nhưng chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi khét của khói rất khó chịu.
Trong khu vực bán kính 500 m, có khoảng gần 100 hộ dân thuộc 3 thôn trên phải ngày đêm hứng chịu những làn “khói độc”. Phía sau nhà máy, 1 đường ống nước thải được ghép bằng nhiều tấm tôn hỏng đang xả nguồn nước màu đen ra thẳng con sông.
Ông Cầm Bá Kim, Trưởng thôn Liên Thành cho biết: Trên địa bàn thôn có khoảng hơn 30 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường từ nhà máy gỗ.
“Khoảng 1 tháng trước, lò của nhà máy bị cháy khiến khói đen hòa lẫn mùi khét bay mịt mù ra bên ngoài. Vì ống khói họ làm thấp quá nên ngày nào dân cư xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Còn về nước thải họ xả ra môi trường, nhưng do không có chuyên môn nên chúng tôi không xác định được thành phần nó độc hại như thế nào” - ông Kim cho hay.
Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Luận Thành cho biết: Việc nhà máy chế biến gỗ Thanh Hoa xả khói thải, nước thải ra môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư là có thật.
“Với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, chính quyền xã cũng thường xuyên đi kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của DN Thanh Hoa. Tuy nhiên, do không có chuyên môn trong lĩnh vực này nên chúng tôi không biết mức độ ảnh hưởng của nước thải, khói thải của nhà máy xả ra môi trường như thế nào. Vừa qua, có đoàn công tác của huyện Thường Xuân về làm việc, kiểm tra vấn đề xử lý môi trường của nhà máy gỗ” - ông Anh nói.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thường Xuân, khoảng gần 1 tháng trước, đoàn của huyện có về làm việc, kiểm tra việc vận hành và hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy gỗ của DN Thanh Hoa.
“Công an huyện Thường Xuân vừa ra quyết định xử phạt 39 triệu đồng đối với DN Thanh Hoa vì hệ thống xử lý chất thải tại nhà máy gỗ chưa đạt yêu cầu. Về hình thức khắc phục, doanh nghiệp có thời hạn 30 ngày để xử lý dứt điểm tình trạng trên” - ông Minh thông tin.
Vào thời kỳ cao điểm, trước khi xảy ra dịch Covid-19, tại 2 xưởng chế biến gỗ của DN Thanh Hoa có khoảng 300 công nhân làm việc. Khi dịch bùng phát, con số này còn khoảng 150 người, được bố trí thành từng nhóm để thay phiên nhau làm việc cả ngày lẫn đêm.