Sới bạc online nghìn tỷ
Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) vừa tiếp tục triệt phá một đường dây đánh bạc trực tuyến có số tiền giao dịch lên tới 30 nghìn tỷ đồng. Cầm đầu sới bạc online hàng chục nghìn tỷ đồng này là Đỗ Ngọc Hà (37 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Hà vốn là một “con bạc khát nước” nên đã nghĩ ra cách lập sòng bạc trực tuyến để thu lợi bất chính.
Trong vài năm trở lại đây, lực lượng công an đã triệt phá nhiều đường dây đánh bạc online với số tiền giao dịch ngày càng lớn dần. Nếu như vào năm 2018, sới bạc online do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu có số tiền giao dịch chục nghìn tỷ đồng đã là lớn thì so với những vụ gần đây chưa thấm vào đâu.
Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao cứ triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến này lại mọc ra sới bạc online khác lớn hơn? Hàng nghìn tỷ đồng mà các con bạc đổ vào sới bạc trên không gian mạng không phải là con số nhỏ, vì sao vẫn có thể trót lọt trong thời gian dài?...
Với câu hỏi vì sao cứ triệt phá sới bạc này lại mọc ra ổ bạc online khác thì câu trả lời khá đơn giản. Đó là vì vẫn còn quá nhiều người ham mê cờ bạc, có máu đỏ đen, mong muốn đổi đời, làm giàu nhanh chóng bằng sự may rủi. Có cung ắt có cầu, vì thế các sới bạc mọc ra là để phục vụ nhu cầu của những người “khát nước”.
Tất nhiên, ngay cả khi con bạc muốn có sới để sát phạt, các đối tượng gá bạc muốn lập sòng để trục lợi, nhưng nếu không có kẽ hở pháp luật thì họ cũng đành chịu. Vấn đề ở chỗ, có nhiều kẽ hở trong các quy định của pháp luật khiến một số doanh nghiệp thanh toán online lợi dụng để tiếp tay cho các trùm cờ bạc, tạo điều kiện cho chúng “hành nghề”.
Chẳng phải vào thời điểm cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ) triệt phá đường dây đánh bạc online do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu đã chỉ ra hàng loạt doanh nghiệp thanh toán trực tuyến có “nhúng chàm” hay sao? Song, thay vì một vài cá nhân nào đó phải chịu trách nhiệm thì lại chỉ là nhắc nhở, đề nghị xử lý hành chính.
Chưa kể còn có sự tiếp tay, dung túng, bảo kê của một số người có chức vụ, quyền hạn trong các bộ, ngành có liên quan đến quản lý nhà nước về không gian mạng. Đó là lý do vì sao các “ông trùm” có thể dễ dàng tổ chức sới bạc online thu hút các con bạc vào sát phạt, đồng thời tồn tại trong thời gian dài mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Thử hình dung, nếu các “ông trùm” tổ chức sới bạc online nhưng lại không thể quy đổi tiền thật ra tiền ảo và ngược lại, các con bạc sẽ lấy gì ra để sát phạt nhau, kẻ gá bạc làm sao rút tiền lời về đút túi? Khi đó sẽ chỉ là những canh bạc “chay”, tức là chơi cho vui, giải trí, giết thời gian nhàn rỗi chứ không còn mục đích ăn thua, sát phạt để đến mức kẻ phải trắng tay tán gia bại sản, người thì giàu lên nhanh chóng, đút túi hàng nghìn tỷ đồng.
Vậy nên, tới đây để có thể hạn chế, thậm chí là ngăn chặn triệt để các đường dây đánh bạc trực tuyến tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa, ngoài các biện pháp răn đe, trấn áp của lực lượng công an, còn cần đến hành lang pháp lý kín kẽ để không có ai, tổ chức, hay doanh nghiệp nào dám liều mạng tiếp tay cho các trùm cờ bạc. Khi mà không thể quy đổi được tiền mặt thì mọi sới bạc sẽ tự tan. Bởi chẳng có con bạc hay chủ gá bạc nào chấp nhận bỏ thời gian ra đánh bạc “chay” cả.