Chí công vô tư trong xây dựng luật

Nam Việt 05/11/2021 10:54

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh cần chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Ngày 3/11, phát biểu quán triệt và chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, Bộ Chính trị nhận định đến nay nước ta đã có được hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế. Trong quá trình xây dựng pháp luật cần nhận thức, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một Nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Cùng với đó, tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh cần chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, không được lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Cùng đó, không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư... gây nên sự thiếu niềm tin của nhân dân vào luật pháp, lo ngại của các nhà đầu tư.

Xây dựng pháp luật là vấn đề vô cùng hệ trọng. Chính vì thế, trách nhiệm của những tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ này cũng rất lớn, rất nặng nề. Việc luật xa rời thực tế, ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi lâu nay đã được nói nhiều. Việc “tham nhũng chính sách”, lợi ích cục bộ “lồng ghép” trong quá trình xây dựng văn bản luật cũng đã từng được đề cập. Tuy nhiên, lần này, với phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư cho thấy quyết tâm loại bỏ những tiêu cực ấy, để công tác xây dựng pháp luật được hoàn thiện.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Kết luận số 19-KL/TW nhấn mạnh nhiệm vụ “phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật”.

Về nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, kết hợp phản biện xã hội với việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được MTTQ Việt Nam phản biện thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam lựa chọn để phản biện xã hội đối với một số dự thảo văn bản liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến tổ chức bộ máy nhà nước, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Có thể khẳng định, để công tác xây dựng pháp luật ngày một tốt hơn, cùng với việc đề cao trách nhiệm, “chí công vô tư” trong quá trình xây dựng văn bản, xem xét phê duyệt thì giám sát và phản biện xã hội là khâu rất quan trọng, trong đó nổi bật vai trò của MTTQ Việt Nam. Nếu giám sát và phản biện xã hội được làm tốt thì sẽ góp phần quan trọng vào việc loại bỏ nạn “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật, cũng như sẽ ngăn chặn được tình trạng văn bản luật xa rời thực tế, mới ban hành đã phải sửa đổi bổ sung.

Nam Việt