An Giang: Nếu sợ F0 thì làm sao điều trị, cứu người
Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu, các địa phương phải động viên để cán bộ của mình phải đi xuống cơ sở để kiểm tra, chữa trị là không sợ F0.
Ngày 5/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố và 156 xã, phường, thị trấn trong tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo, tính đến 8h ngày 5/11, tỉnh An Giang ghi nhận 12.612 trường hợp nhiễm Covid-19; đã điều trị khỏi 8.451 trường hợp.
Đặc biệt, từ ngày 1/10 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 67.000 người về tự phát từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP HCM. Qua xét nghiệm đã phát hiện 1.256 ca mắc Covid-19.
Đến ngày 4/11, toàn tỉnh đã tiêm gần 1.474.000 liều vaccine, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 liều vaccine đạt 93,32% và người được tiêm đủ 2 liều đạt 13,75%…
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện nay tỉnh An Giang có số ca mắc Covid-19 rất cao. Vì vậy công tác tuyên truyền phải thường xuyên, tuyệt đối không lơ là hay chủ quan, cần phải lấy tổ dân phố, tự quản kiểm soát chặt địa bàn của mình.
Nếu làm tốt, chủ động trong công tác phòng chống dịch sẽ rất tốt. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị lực lượng công an phải tăng cường tuần tra, kiểm tra việc người dân thực hiện 5K và xử phạt.
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho rằng, thời gian qua số lượng ca mắc Covid-19 của tỉnh tăng cao ngoài dự đoán. Người dân đổ về quê một cách tự phát hiện nay vẫn còn.
Các địa phương trong tỉnh cần chủ động thực hiện các nội dung theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện triệt để thông điệp 5K, để tự bảo vệ bản thân và người thân trước dịch bệnh.
“Hiện nay, lực lượng phòng chống dịch của tỉnh đã hiểu về dịch bệnh Covid-19 và cơ chế lây nhiễm. Vì vậy, các địa phương nên động viên chỉ đạo sao cho các cán bộ của mình đi xuống cơ sở kiểm tra, chữa trị là không sợ F0. Nếu thấy F0 mà sợ rồi tránh xa thì làm sao điều trị, hơn nữa "bắt" F0 "giam giữ" ở nhà mà không dám đến làm sao cứu người bệnh.
Ngoài ra, khi cán bộ đến F0 đó chữa trị, trong quá trình phong tỏa, cách ly thì địa phương có giải pháp phù hợp để bảo vệ lực lượng của mình. Chúng ta đã có dự kiến giữ F0 trong toàn tỉnh vào những trường hợp có đủ điều kiện mà chúng ta vẫn sợ thì thành con số 0. Chúng ta điều trị F0 chỉ bằng cách đó thôi và chúng ta sẽ kiểm soát sự lây chéo, từ đó sẽ trở lại bình thường mới”, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nói.
"Ngoài ra, trong quá trình bắt buộc người dân thực hiện 5K, tỉnh không muốn phạt ai. Tuy nhiên, khi địa phương giải thích tuyên truyền rồi mà người dân vẫn chấp hành không nghiêm, hậu quả lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, buộc lòng phải xử lý nghiêm để răn đe..." - Bí thư tỉnh ủy An Giang yêu cầu.