Cơ hội cho hàng Việt vào EU

THANH GIANG 06/11/2021 07:29

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu vào thị trường các nước, nhất là thị trường Liên minh châu Âu (EU). Lý do, thị trường EU hiện nay đang có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng.

Ông Châu Việt Bắc, Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, xuất khẩu 2 chiều giữa Việt Nam – EU đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU luôn ở mức ổn định.

Ông Bắc khẳng định, thị trường EU là thị trường tiêu dùng rất lớn cho các nước xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế từ hiệp định thương mại và sự ổn định trở lại của thị trường EU để đưa hàng hóa vào thị trường này.

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2020 EU là tâm dịch lớn nhất thế giới, do ảnh hưởng của đại dịch nền kinh tế sụt giảm kỷ lục ở mức 6,1%. Hiện nay kinh tế EU đang dần dần hồi phục, nhập khẩu tăng ở lại 16,3%. Có lẽ đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào EU sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh.

“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trở thành cứu cánh cho doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ sau 1 năm hiệp định thương mại có hiệu lực, xuất khẩu vào thị trường EU đạt hơn 38 tỷ USD, tăng 11,3%. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam lọt top 11 nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn nhất cho EU”, bà Hiền nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, chưa bao giờ EU xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa nhưng hiện nay, nguồn hàng vào EU khá hạn chế do nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch Covid-19. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng cơ hội để nắm giữ thị trường. Hiện nay, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Doanh nghiệp xuất khẩu phải khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà EVFTA mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường EU.

Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ cho hay, thời gian qua rau quả, sản phẩm đồ gỗ, thủy sản, dệt may, giày dép,... vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được người tiêu dùng EU lựa chọn. Mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức 20 – 30%/ năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng. Điển hình, nông sản của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này luôn tăng ở mức cao. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2021, Đức nhập khẩu 458 triệu USD, Hà Lan nhập khẩu 363 triệu USD…

Mặc dù kỳ vọng rất nhiều vào thị trường tiêu dùng lớn này, song nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo đây là thị trường xuất khẩu lớn nhưng khó tính. Nhiều người cho rằng, EU xây dựng hàng rào bảo hộ chắc chắn nhưng thực ra thị trường này có các quy định khắt khe để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, từ sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng EU đang hướng đến những sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế số nên áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.

“EU là thị trường xuất khẩu lớn đầy tiềm năng nhưng cũng là thị trường khó tính và tiêu chuẩn cao. Sản phẩm vào thị trường này phải là sản phẩm chất lượng, xuất xứ hàng hóa rõ ràng. Nếu không đáp ứng đúng yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại không đáng có”, ông Châu Việt Bắc cho hay.

Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán Thương mại thị trường Tây Ban Nha thông tin, xuất khẩu vào các nước EU có những điều kiện khá khắt khe. Đáng lưu ý, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải được thực hiện tốt. Đây là điều kiện tiên quyết quyết định sản phẩm có được người tiêu dùng lựa chọn hay không.

“EU là thị trường có rất nhiều quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng hàng hóa. Các quy định này thường xuyên thay đổi hoặc nâng cao hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp khi giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhập các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, bao bì” - Luật sư Đinh Thị Ánh Tuyết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam khuyến cáo.

Để hàng hóa của Việt Nam được thị trường EU lựa chọn và tin dùng, DN Việt cần thường xuyên theo dõi diến biến thị trường tiêu dùng các nước, theo dõi thói quen tiêu dùng của người dân để có những sản phẩm phù hợp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn và bài bản. Đầu tư bài bản để bảo vệ người tiêu dùng bằng cách áp dụng dây chuyền sản xuất tiên tiến với công nghệ hiện đại.

THANH GIANG