Sinh viên nghề học trực tuyến quá lâu: Lo thiếu nguồn cung lao động
Việc học trực tuyến kéo dài khiến quá trình thực hành của thầy và trò trường nghề gặp khó. Nhất là với những ngành học như ô tô, điện tử, cơ điện… bởi những ngành nghề này, người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý, bắt buộc phải được tiếp xúc với máy móc mới.
Thực hành là yêu cầu bắt buộc
Với đặc thù nội dung giảng dạy thực hành chiếm 60% chương trình đào tạo, các trường nghề đang gặp nhiều khó khăn với việc dạy thực hành trực tuyến, thậm chí bất khả thi. Em Bùi Thanh Sơn - sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, em chủ yếu học các môn lý thuyết, còn những môn thực hành phải chờ đến khi quay trở lại trường. Bởi vì phần thực hành không thể học trực tuyến được. Hơn nữa, theo Sơn, việc học trực tuyến khó tiếp thu hơn so với học trực tiếp do trang thiết bị của sinh viên không ổn định và nhiều bạn điều kiện không cho phép.
PGS. TS Dương Đức Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho hay: Từ tháng 5 đến tháng 10/2021 sinh viên các khóa 10, 11, 12 không đến trường học trực tiếp được do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội và các địa phương. Khi dạy trực tuyến, các giảng viên đã có nhiều cố gắng để đảm bảo chất lượng bài giảng, truyền đạt cho sinh viên những nội dung cơ bản, cốt lõi nhưng dễ hiểu, dễ áp dụng; đồng thời các giảng viên có phương pháp để quản lý lớp thông qua việc hỏi bài sinh viên, số lượng sinh viên học trực tuyến đông. Dẫu thế, việc dạy trực tuyến cũng có những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của thầy và trò.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội Giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực giáo dục đặc thù. Đối với các ngành có hàm lượng lý thuyết nhiều như kế toán, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên du lịch… có thể áp dụng hình thức học trực tuyến. Còn đối với những ngành học như ô tô, điện tử, cơ điện… chỉ đào tạo được những buổi học lý thuyết, thực hành gặp nhiều khó khăn. Những ngành nghề này, người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý nên bắt buộc phải được tiếp xúc với máy móc mới có thể học được.
Tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, theo chương trình đào tạo của nhà trường, sinh viên năm cuối sẽ được gửi đi đào tạo tại doanh nghiệp, nơi các em được trải nghiệm công việc và kỹ năng nghề nghiệp thực tế bắt đầu từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, tác động kéo dài của dịch cũng như các biện pháp giãn cách chặt chẽ khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp nhận sinh viên.
TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội phân tích, việc sinh viên đến trường học tập và trải nghiệm nghề thực tế tại doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng. Bởi chương trình đào tạo của nhà trường bao gồm 70% thực hành, việc rèn luyện kỹ năng là thực sự cần thiết.
Nỗi lo thiếu nhân lực lao động
Liên quan tới việc đưa sinh viên nghề đi thực hành, tại Hội thảo quốc tế “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới” được tổ chức gần đây, ông Tào Huy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, hiện nay rất nhiều trường nghề kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho các tập đoàn, trong đó có tập đoàn nước ngoài. Nhưng dịch Covid-19 làm chương trình học kéo dài hơn dự kiến, các sinh viên chưa thể thực hành nên chưa tốt nghiệp, chưa cung ứng được lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ không đáp ứng đủ nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn tái sản xuất.
Tìm hiểu được biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang mong muốn sớm được tiếp nhận sinh viên đến thực tập và trải nghiệm sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. TS Phạm Xuân Khánh kiến nghị các địa phương sớm có phương án cho sinh viên đến trường trở lại, trả lại khu cách ly cho các trường nghề để có ký túc xá cho sinh viên yên tâm học tập, sinh hoạt; ưu tiên cho sinh viên trường nghề được tiêm vaccine sớm.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lilama 2 (Đồng Nai) cũng cho hay, hiện còn nhiều trở ngại khi cho sinh viên trở lại trường để hoàn tất các học phần. Trong khi đáng lẽ sinh viên các năm cuối đã tốt nghiệp trong tháng 10 vừa qua, nhưng hiện tại có thể phải kéo dài đến tháng 12. Hầu hết các sinh viên đều đã ký hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp từ năm 2, nhận lương, phụ cấp của họ và được thực hành tại doanh nghiệp trong suốt thời gian học. Đây chính là nguồn lao động dự trữ của doanh nghiệp khi họ muốn đẩy cao tiến độ nhưng thiếu hụt người.
Để gỡ khó cho các môn học thực hành, hiện các trường nghề đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Theo PGS. TS Dương Đức Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, khi điều kiện chưa cho phép sinh viên đến trường thì nhà trường tổ chức dạy trực tuyến phần lý thuyết, đến thời điểm thích hợp cho sinh viên đến trường thì tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực dạy kết thúc cả phần thực hành còn lại của năm học trước và của cả kỳ 1 năm học mới, sau đó cho sinh viên thi học kỳ.