Hải Phòng vẫn nóng chuyện khai thác cát trái phép
Ngày 20/10 vừa qua, trên sông Văn Úc, đoạn qua địa phận Hải Phòng, Cục Cảnh sát môi trường bắt quả tang 25 tàu khai thác cát trái phép. Vụ việc cho thấy Hải Phòng cần mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép.
Bắt cóc bỏ đĩa
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Phòng, từ năm 2018, thời điểm “bùng nổ” hoạt động xây dựng, nhu cầu cát san lấp mặt bằng rất lớn. Trong khi đó, Hải Phòng mới cấp 22 giấy phép khai thác khoảng sản (cát) cho 19 tổ chức, doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn. Bởi vậy, không ít các nhà thầu xây dựng đua nhau tìm kiếm mọi nguồn vật liệu san lấp được cấp phép và cả không phép.
Thời điểm này, khu vực cửa sông Văn Úc, cửa sông Lạch Tray, cửa biển Lạch Huyện và vùng nước nội thuỷ ven biển Đồ Sơn, những khu vực có trữ lượng hàng trăm triệu m3 cát nhiễm mặn, chủ yếu dùng làm vật liệu san lấp trở thành những điểm nóng về hoạt động khai thác trái phép cát lậu.
Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ từ 2018 đến tháng 3/2021, tại những khu vực này, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã phát hiện tới 21 vụ tàu hút cát trái pháp luật, thực hiện bắt giữ 31 tàu đang khai thác, vận chuyển trái phép gần 6.000 m3 cát.
Cũng trong thời gian này, các huyện Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, An Lão phát hiện, bắt giữ 14 vụ việc người dân, doanh nghiệp tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, đoạn qua các địa phương này. Tang vật thu giữ hơn 150.000 m3 cát.
Năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các huyện, lực lượng chức năng tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản, gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong việc để xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn.
Sau đó, việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tạm lắng.
Tuy nhiên, như đã nói, chỉ trong buổi sáng ngày 20/10/2021, tại sông Văn Úc, đoạn qua địa phận các xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng), xã Chiến Thắng (huyện An Lão) và xã Minh Tân (huyện Kiến Thuỵ), Cục Cảnh sát Môi trường phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tổ chức bắt quả tang tới 25 tàu đang hút cát. Vụ việc bắt giữa lượng tàu khai thác trái phép cát được đánh giá lớn nhất trên địa bàn trong nhiều năm qua, gây “bất ngờ” cho một số cơ quan chức năng của Hải Phòng.
Chế tài chưa đủ mạnh
Ông Dương Đình Ngọc, Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) cho biết, từ nhiều năm trước, người dân có diện tích đất nông nghiệp bên sông Văn Úc đã phản ánh, kiến nghị với chính quyền việc tàu khai thác cát làm sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, do hoạt động khai thác cát lậu trên sông, ngay cả cấp huyện cũng không có phương tiện thuỷ để bắt giữ, mỗi khi phát hiện tàu cát “cắm” vòi vào bờ hút cát, chính quyền địa phương, người dân chỉ biết xua đuổi…
Đáng chú ý, hầu hết những vụ khai thác trái phép cát, cơ quan chức năng chỉ có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Báo cáo từ Sở TNMT Hải Phòng cho thấy, trong tổng số 35 vụ việc với gần 50 tàu hút cát bị phát hiện, bắt giữ, lượng cát khai thác lậu bị thu giữ hơn 7.500 m3 cát nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Mức phạt nhẹ trong khi giá cát “lậu”, dùng cho san lấp ngoài thị trường “chợ đen” dao động từ 70 - 100.000 đồng/m3 cát. Mỗi tàu khai thác cát có trọng tải từ 300 - 400 m3, nếu bị phát hiện, bắt giữ chỉ bị phạt từ 10 - 30 triệu đồng/tàu, bằng số cát đang chở trên tàu. So với lợi nhuận thu được, số tiền nộp phạt không “thấm” vào đâu. Bởi vậy, sau mỗi lần bị phát hiện, bắt giữ, được trả tàu, các tàu cát lại tiếp tục thọc vòi xuống các cửa sông, cửa biển hút cát đem bán.
Như vậy, do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe trong khi nguồn lợi bất hợp phát từ hoạt động này lớn nên việc xử lý triệt để vấn nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại các cửa sông, cửa biển trên địa bàn Hải Phòng vẫn diễn biến phức tạp.