Cá lồng đặc sản cũng khó đầu ra

Nguyễn Chung 06/11/2021 07:28

Hàng trăm tấn cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao của người nuôi cá lồng bè tại vịnh Nghi Sơn thuộc xã đảo Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang rơi vào tình trạng ế ẩm do dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, mỗi ngày người nuôi cá vẫn phải vay tiền để mua thức ăn cho cá.

Buổi sáng, bất chấp biển động, ông Trần Văn Luận, trú tại thôn Trung Sơn, xã đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), một trong những người nuôi nhiều cá lồng nhất tại vịnh Nghi Sơn vẫn đội mưa, ngược gió điều khiển chiếc ca nô chở hơn 10 tấn thức ăn là cá tươi cho hơn 80 lồng cá đặc sản của mình đã quá kỳ thu hoạch.

Thường thì mỗi ngày, ông Luận phải cho cá ăn một lần nhưng vì cá đến kỳ thu hoạch mà không thể bán khiến ông phải giảm tần xuất xuống còn 2 lần/tuần. Chi phí thức ăn cho cá đắt đỏ đang khiến ông và nhiều hộ dân nuôi cá khác ở đây phải bước vào giai đoạn cho cá ăn cầm chừng để cầm cự, chờ cơ hội tìm đầu ra cho hàng trăm tấn cá.

Ông Luận cho biết, nhiều năm qua gia đình ông mưu sinh chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng bè trên vịnh Nghi Sơn. Tất cả các chi phí của gia đình đều nhờ vào các bè cá. Cá nuôi ở đây đa phần là các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá giò, mú, hồng, vược và bống bớp…

Chỉ sau 6 tháng thả cá giống, cá sẽ đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con, mức giá thường dao động từ 160 - 220 nghìn đồng/1 kg. Đầu năm 2021, ông Luận nâng số lồng bè từ 60 ô lên thành 80 ô để nuôi thả thêm cá hồng Mỹ. Cứ theo tính toán của ông thì sau khi trừ đi mọi chi phí, vụ cá năm nay cho ông thu về đến tiền tỷ.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến các nhà hàng, khách sạn không hoạt động, toàn bộ số cá thương phẩm đã quá kỳ thu hoạch, mỗi con đạt trọng lượng từ 5 - 7 kg nhưng không bán được.

“Mỗi tuần riêng gia đình tôi phải chi phí tới hơn 50 triệu đồng tiền dầu máy, nhân công và thức ăn cho cá. Chỉ hai tháng vừa qua, tôi đã phải vay ngân hàng và anh em trong gia đình hơn 2 tỷ đồng để trang trải, duy trì bè cá nhưng cũng không thấm tháp vào đâu. Cứ đà này, chả mấy chốc mà lâm vào phá sản” - ông Luận lo lắng nói.

Tiếp lời ông Luận, chủ bè Nguyễn Nhật Luật cho biết: Thỉnh thoảng có một vài người đến hỏi mua một vài con cá về để ăn hay làm quà biếu nên tiêu thụ không đáng là bao so với tổng sản lượng. Có một vài thương lái đến hỏi mua nhưng họ ép giá xuống chỉ còn phân nửa khiến người nuôi cá đang rất đắn đo. Được biết, năm 2021, toàn xã Nghi Sơn có hơn 100 hộ dân đang mưu sinh bằng nghề nuôi cá lồng bè, hiện số cá thương phẩm chờ tiêu thụ có đến hàng trăm tấn. Trong đó riêng cá mú là khoảng 300 tấn, cá giò hơn 300 tấn… Hầu như tất cả các hộ nuôi cá đều rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, nuôi không được, bán cũng chẳng xong.

Ông Lê Khắc Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn cho biết: Cái khó nhất của người dân hiện nay ngoài việc không thể tìm được đầu ra cho hàng trăm tấn cá, còn là chi phí khổng lồ để mua thức ăn, duy trì đàn cá. Hầu như các hộ tham gia nuôi thả cá đều phải vay vốn từ ngân hàng, anh em trong gia đình để đầu tư. Nhà ít cũng dăm trăm triệu, nhiều thì lên đến vài tỷ đồng…

“Đúng là người nuôi cá lồng phải hứng chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Song, địa phương đang loay hoay chưa biết làm cách nào để hỗ trợ bà con. Cũng không thể áp dụng Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ tiền cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 bởi người nuôi cá ở Nghi Sơn không thuộc diện được thụ hưởng. Biện pháp duy nhất mà chúng tôi có thể giúp người dân là đề nghị phía Ngân hàng Chính sách xã hội khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất cho người nuôi cá. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề suất của địa phương, còn ngân hàng có chấp nhận hay không lại là vấn đề khác” - ông Tâm nói.

Trong khi người nuôi cá lồng bè ở Nghi Sơn đang “ngồi trên đống lửa” vì phải tự xoay sở, tìm đầu ra cho hàng trăm tấn cá thương phẩm thì phía các cơ quan như khuyến nông, khuyến ngư cũng như chính quyền thị xã Nghi Sơn vẫn chưa có giải pháp nào để hỗ trợ cho bà con. Nói như ông Lê Khắc Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn thì chỉ có cách đề nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho bà con.

Nguyễn Chung