Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội

Lê Bảo 06/11/2021 07:31

Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng số lao động phi chính thức, điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người lao động rời khỏi sự đảm bảo của chính sách BHXH. Để giảm áp lực ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chính sách trợ giúp đột xuất, cần có chính trách hỗ trợ đối tượng dễ tổn thương tham gia BHXH.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến hết ngày 1/11, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Nghị quyết 116 cho 8,34 triệu lao động (trong đó đang tham gia BHTN là 7,79 triệu người; đã dừng tham gia BHTN 0,55 triệu lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 19.832 tỷ đồng. Nhờ có chính sách hỗ trợ này đã giúp hàng triệu người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) vượt qua khủng hoảng bởi dịch Covid-19.

Liên quan đến đến lộ trình mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, cả nước có hơn 14,545 triệu người tham gia BHXH, đạt 29,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm hơn 1,6 triệu người so với cuối năm 2020, trong đó BHXH bắt buộc giảm gần 1,7 triệu người. Riêng BHXH tự nguyện có 1,206 triệu người tham gia, tăng 77.800 người so với cuối năm 2020 và tăng 361.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số NLĐ hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua các năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu người không có lương hưu khi về già. Đây là thách thức rất lớn đối với lộ trình thiết lập lưới an sinh bền vững.

Để mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH, theo BHXH Việt Nam giải pháp tối ưu nhất là Nhà nước nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay mức hỗ trợ là 30%, hộ nghèo phải đóng 70% với mức này là quá cao so với thu nhập dù mức đóng hàng tháng dựa theo chuẩn nghèo. Theo đó, cần nâng mức hỗ trợ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về BHXH mới đây, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần. Ngoài ra, cần điều chỉnh cách tính lương hưu, bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần thắt chặt các quy định, điều kiện thanh toán BHXH một lần để bảo đảm người tham gia BHXH có lương hưu sau khi hết tuổi lao động.

Đánh giá về việc triển khai chính sách BHXH trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Để giảm gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách Nhà nước, giải pháp tối ưu nhất là mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đến nay quá trình triển khai chính sách BHXH đã vấp phải những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến tiến trình mở rộng độ bao phủ tham gia chính sách BHXH toàn dân. Do đó, tới đây Bộ sẽ đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật việc làm.

Theo đó, tới đây sẽ sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng làm sao để phát triển bền vững. Điều chỉnh hưởng chính sách một lần, phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức, đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.

Lê Bảo