Lấy lại mật khẩu VssID phải chịu phí
Người dùng ứng dụng sổ bảo hiểm điện tử VssID chịu phí 1.000 đồng cho mỗi lần lấy lại mật khẩu qua tin nhắn đến Tổng đài 8079.
Đầu tháng 11, đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, chị Lê Thanh Trà, nhân viên văn phòng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội không mang theo thẻ giấy mà dùng ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trong ứng dụng VssID.
Quên mật khẩu đăng nhập, chị phải thao tác để lấy lại. Hệ thống thông báo cách soạn tin nhắn có cú pháp gồm mã số bảo hiểm xã hội gửi về đầu số 8079 với cước phí 1.000 đồng mỗi tin. Chị Trà hơi bất ngờ, bởi đang dùng hàng chục ứng dụng và chưa từng phải trả phí khi thay đổi mật khẩu.
"Vì sao cơ quan Bảo hiểm xã hội không trực tiếp cấp lại mật khẩu mà phải thông qua tổng đài dịch vụ, buộc người dùng phải trả phí?", chị băn khoăn và cho rằng 1.000 đồng mỗi tin nhắn không phải số tiền lớn, song nếu áp dụng với hàng triệu tài khoản khi lấy lại mật khẩu thì không phải nhỏ.
Từng phải đổi mật khẩu VssID để đăng nhập kiểm tra số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp nhận trợ cấp từ gói 38.000 tỷ, chị Nguyễn Thanh Hà đánh giá thao tác này "không thuận lợi".
Để đỡ mất công, mất phí khi gửi tin nhắn đến tổng đài, chị Hà chọn cách tự đăng nhập vào VssID và chọn phần "Đổi mật khẩu" trong ứng dụng, song mã xác thực (OTP) được gửi vào email cá nhân chứ không gửi trực tiếp đến số điện thoại. "Nếu hệ thống gửi mã xác thực trực tiếp đến điện thoại để người dùng nhập và đổi mật khẩu luôn như các ngân hàng thì sẽ thuận lợi hơn", chị góp ý.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ ngày 22/10 để lấy lại mật khẩu đăng nhập VssID hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, người dùng cần nhắn tin đến đầu số 8079, theo cú pháp "BH MK Mã số BHXH". Hệ thống kiểm tra nếu đúng số điện thoại gửi tin nhắn dùng để đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội, thuê bao sẽ nhận được tin nhắn cấp lại mật khẩu. Nếu thuê bao không đúng hoặc sai cấu trúc, người dùng sẽ phải nhắn lại. Mỗi tin nhắn tính phí 1.000 đồng. Việc thu phí chỉ áp dụng với người dùng quên và phải lấy lại mật khẩu, nếu ghi nhớ thì đăng nhập bình thường.
Đại diện cơ quan này lý giải thêm, việc thu phí qua tổng đài dịch vụ xuất phát từ thực tế nhiều người dùng quên mật khẩu đăng nhập. Họ liên tục lấy lại bằng cách vào phần Quên mật khẩu để thực hiện thao tác. Tiện ích này ban đầu được Bảo hiểm xã hội cung cấp miễn phí nên nhiều người không có thói quen ghi nhớ. Mỗi lần sử dụng thay vì tìm mật khẩu đã được cấp để hoàn tất đăng nhập, người dùng thường chọn cách lấy lại.
"Việc quá nhiều người yêu cầu cấp lại mật khẩu, đặc biệt có người quên gần 50 lần trong tháng đang gây quá tải cho hệ thống. Yêu cầu nhắn tin qua đầu số của tổng đài dịch vụ 8079 nhằm giảm tải hệ thống và mong muốn người dùng có trách nhiệm hơn. 8079 là tổng đài dịch vụ nên thu phí theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thu khoản này", cơ quan này thông tin thêm.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy đến ngày 18/10, gần 11,4 triệu tin nhắn gửi đến hệ thống yêu cầu cấp lại mật khẩu, bao gồm một tin nhắn OTP để xác thực số điện thoại và một tin thông báo mật khẩu mới. Tức khoảng 5,7 triệu lượt người dùng, chiếm khoảng 26% tổng số thuê bao cài VssID yêu cầu cấp lại mật khẩu.
Riêng từ ngày 29/9 đến 15/10, gần 1,8 triệu người dùng đã yêu cầu cấp lại mật khẩu, tăng gấp đôi so với bình quân các tháng trước. Đây là lúc hệ thống ghi nhận lượng người truy cập lớn, mục đích chủ yếu để kiểm tra thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, xác định mức hỗ trợ được hưởng từ Quỹ. Trong một tháng, có những người quên mất khẩu gần 50 lần.
Người dùng muốn đặt mật khẩu dễ nhớ, có thể tự đăng nhập vào VssID và chọn công cụ Đổi mật khẩu ở cột thông tin bên tay trái và thực hiện theo hướng dẫn. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ điều chỉnh ứng dụng để người dùng có thể được cấp lại mật khẩu miễn phí qua email hoặc Cổng dịch vụ công của ngành bảo hiểm.
Cả nước hiện có hơn 21,6 triệu người dùng ứng dụng VssID. Người dân có thể tra cứu thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hoặc dùng ảnh thẻ BHYT trong VssID để khám chữa bệnh trên toàn quốc.