Để người dân không bị thiệt thòi khi thu hồi đất
Khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai luôn là vấn đề “nóng”. Ngoài những sai phạm trong buông lỏng quản lý của một bộ phận cán bộ, có nguyên nhân quan trọng đến từ người dân nhận được đền bù chưa thỏa đáng, nhất là với những dự án do các doanh nghiệp triển khai. Điều này đòi hỏi cán bộ Mặt trận các cấp phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện góp ý xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý đất đai. Đó là ý kiến của ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam.
PV:Luật Đất đai năm 2013 đã trải qua thời gian thực hiện khá dài. Tuy nhiên, cùng với sự vận động của xã hội, nhiều nội dung trong Luật chưa theo kịp, nảy sinh nhiều bất cập cần chỉnh sửa cho phù hợp nên việc góp ý vào dự thảo để Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 là việc làm cần thiết. Theo ông, vai trò của MTTQ trong giám sát, phản biện Luật Đất đai được thể hiện như thế nào?
Ông Đỗ Duy Thường: Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013, Mặt trận đã giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Để thực hiện việc này, Mặt trận đã thực hiện cụ thể, đầy đủ theo quy định của pháp luật về hình thức giám sát. Theo đó, trong báo cáo của MTTƯ đối với việc góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 đã nhấn mạnh đến vai trò của MTTQ.
Đối với những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân trong Luật Đất đai thì phải coi nhân dân là chủ thể, nhân dân cũng là động lực, mục đích quản lý đất đai của Nhà nước. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tập trung vào việc xem xét quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân mà hiện nay đang tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.
Góp ý vào dự thảo Luật, nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn chiếm con số cao. Năm 2021, trong những vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân thì có đến 65% liên quan đến đất đai. Luật Đất đai mang lại lợi ích cho người dân nhưng cũng nảy sinh ra nhiều loại tội phạm khiến cho việc quản lý của Nhà nước rất vất vả cho nên việc sửa đổi vô cùng cần thiết.
Đối với Mặt trận khi góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Việc này được thể hiện ở mấy vấn đề. Việc quản lý hành chính Nhà nước về đất đai thì chính quyền địa phương cần tập trung đến việc quy hoạch, kế hoạch liên quan đến quyền, lợi ích của người dân.
Luật cũng quy định việc lấy ý kiến của người dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện… nhưng việc lấy ý kiến trực tiếp của người dân theo quy định chưa được thực hiện triệt để. Do đó, nhiều dự án khi thực hiện đã xảy ra tình trạng người dân đâm đơn khiếu kiện.
Điển hình như ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP HCM) người dân khiếu kiện kéo dài hàng chục năm nay và báo chí cũng đã vào cuộc rất tích cực nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết xong.
Ngoài ra, đối với việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân thì vấn đề tái định cư cũng là nội dung gây ra nhiều nhức nhối. Có một thực tế đáng buồn là giá đền bù của Nhà nước rất thấp, người dân khi nhận tiền đền bù đó đã không đủ tiền mua chỗ khác để ở do vênh nhau giữa hai khung giá Nhà nước và giá thị trường.
Bà con nhiều nơi kêu cứu vì quyền lợi của họ đang bị xâm hại. Việc này tồn tại nhiều năm khiến cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nhức nhối.
Khi góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013, ông có kiến nghị như thế nào để rút ngắn được khoảng cách giữa giá đất được bán trên thị trường với khung giá Nhà nước đền bù?
- Theo tôi nghĩ, việc rút ngắn khoảng cách này phải do Nhà nước quy định. Không ở đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều nơi khi thu hồi đất để xây chung cư, người dân chỉ được đền bù với giá 1 triệu/m2 trong khi đó nhiều doanh nghiệp chỉ phải đầu tư không lớn về hạ tầng, khi xây xong thì bán hàng chục triệu mỗi m2. Cũng những khu đất được bồi thường rẻ mạt, các doanh nghiệp xây nhà chung cư có khi bán tới 60-70 triệu/m2. Bà con nhân dân cũng không hiểu vì sao giá cả lại chênh nhau nhiều đến vậy.
Có rất nhiều ví dụ có thể chứng minh những bất cập này, cho nên Nhà nước cần đền bù người dân theo cơ chế thị trường và vận hành, quản lý đất đai cũng phải theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài yếu tố hợp pháp cũng phải quan tâm đến yếu tố chính đáng.
Nếu sửa Luật Đất đai thì phải đền bù, theo cơ chế thị trường để cho bà con nhân dân đỡ bị thiệt thòi, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi để phục vụ an ninh quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc thì chúng ta không bàn tới.
Vậy theo ông để giảm khiếu nại liên quan đến đất đai ngay từ cơ sở thì MTTQ các cấp, cũng như các tổ chức đoàn thể cần giám sát như thế nào để gỡ khó cho người dân?
- Nếu nói đến vai trò của Mặt trận cơ sở khi thực hiện việc này thì Mặt trận phải căn cứ vào pháp luật để giám sát. Nếu pháp luật không phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo việc đền bù giải phóng mặt bằng mà theo chủ trương của Đảng bây giờ là hài hòa lợi ích. Hài hòa tức là đảm bảo lợi ích người dân, lợi ích Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp; nhưng hài hòa phải quan tâm đến người dân.
Do đó, trong quá trình giám sát về đất đai, Mặt trận có vai trò giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về Luật Đất đai. Hiểu để thực hiện cho đúng và hiểu để nếu cơ quan quản lý nhà nước sai thì người dân có quyền khiếu nại.
Mặt trận phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân về vấn đề đất đai. Ủy ban MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở phải nắm được những vấn đề quan trọng trong quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai; vấn đề chuyển đổi mục đích, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân... để khi tổ chức giám sát Luật Đất đai đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!