Chuỗi cung ứng hồi phục, nhiều ngành khởi sắc
Cùng với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, các chuỗi cung ứng cũng bắt đầu có dấu hiệu khôi phục, với những tín hiệu khả quan cho sự phục hồi kinh tế. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2021 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những dữ liệu cho thấy bức tranh kinh tế bắt đầu nhen lên những điểm sáng.
Nhiều ngành có dấu hiệu hồi phục
Con số mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố cho hay, 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bất chấp sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19, các thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta vẫn duy trì “phong độ”.
Cụ thể, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2021 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số nói trên thực sự là tín hiệu vui cho thấy, bức tranh xuất khẩu bắt đầu có sự khởi sắc sau một thời gian dài ảm đạm vì tác động của đại dịch Covid-19. Và những tín hiệu khả quan đó cũng là một minh chứng về việc, các chuỗi cung ứng đã và đang được kết nối trở lại. Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng và tìm kiếm thêm các hợp đồng mới với kỳ vọng những tổn thương do Covid-19 gây ra sớm được đẩy lùi.
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thời điểm này, đã có 67% doanh nghiệp (DN) ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trở lại hoạt động với trên 70% công suất. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 10/2021 ước đạt 864 triệu USD.
Lũy kế 10 tháng ước đạt 12,807 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,89 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản ngoài gỗ đạt 917 triệu USD, tăng 62% so cùng kỳ.
Trước đó, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến cho không chỉ ngành gỗ lao đao. Liên tiếp trong 3 tháng trời bị dịch bệnh hoành hành, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm liên tiếp. Nhiều DN chậm đơn hàng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Tuy nhiên, thời điểm này nhờ trong nước đã được kiểm soát dịch và nhu cầu trên thị trường thế giới tăng, hoạt động sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ có tăng trưởng khả quan.
Khẳng định về những tín hiệu khả quan đối với ngành gỗ xuất khẩu, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, do nhu cầu vẫn rất cao từ thị trường Mỹ, Nhật Bản... hiện hầu hết các DN chế biến, xuất khẩu gỗ đã phục hồi sản xuất.
Cũng theo ông Lập, khảo sát hơn 130 DN trong ngành sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hiện đã có 67% DN khẳng định, đã trở lại hoạt động với trên 70% công suất; 13% DN hoạt động từ 50% công suất trở xuống và 20% DN hoạt động từ 50-70% công suất. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, các DN ngành gỗ vẫn thực hiện nghiêm Nghị định 128, linh hoạt các biện pháp vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch. Nhiều DN tiếp tục thực hiện mô hình hoạt động “3 tại chỗ”.
Dù vẫn còn những khó khăn do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song thời điểm này, ngành thủy sản cũng đang nhen nhóm lên những gam màu sáng. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9/2021 đã giúp các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản từng bước khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.
Các thị trường Mỹ, EU, Đức, Bỉ, Hà Lan… sau một thời gian trầm lắng vì dịch Covid-19 nay tiếp tục có những đơn hàng mới đối với sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam. Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8% đạt 97,6 triệu USD. Mặc dù dịch bệnh kéo dài song, xuất khẩu tôm sang Mỹ 9 tháng năm 2021 vẫn đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại “hậu Covid” và các dịp lễ cuối năm đang tới gần” -VASEP đánh giá. Còn 3 thị trường nhập khẩu chính trong khối EU là Đức, Hà Lan và Bỉ cũng đã có sự hồi phục. Tính tới tháng 9/2021, xuất khẩu sang Đức và Bỉ tăng lần lượt 22% và 2%, duy chỉ có Hà Lan giảm 1%.
Tận dụng thời cơ để bứt phá
Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại Đối tác toàn diện Thái Bình Dương (CPTPP) tạo ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu cũng như tìm kiếm thị trường mới cho các DN Việt Nam.
Theo đó, 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang 6 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đều đạt mức tăng trưởng cao với 25,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Số bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP được cấp là 34.160 bộ, trị giá đạt 1,55 tỷ USD, tăng 67,6% về lượng và 77,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản… bắt đầu hồi phục cũng tạo cơ hội cho DN tăng kim ngạch xuất khẩu.
“Nếu tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, 3 tháng cuối năm 2021 là thời điểm để các DN lấy lại đà tăng trưởng. Và nếu thuận lợi hơn nữa thì năm 2021 chúng ta vẫn có thể tiếp tục xuất siêu”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, sau những tổn thương vì dịch bệnh, thời điểm này DN các ngành, lĩnh vực cần tận dụng thời cơ để bứt phá.
Ở thị trường trong nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nới lỏng giãn cách xã hội nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở trong nước đã giúp các hoạt động kinh tế bắt đầu có những khởi động trở lại. Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa mạnh lên. Bởi vậy, thời điểm này chính là lúc các DN có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.