Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021: Có tạo được làn gió mới?
Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 vừa được khai mạc tại Nhà hát Tháng Tám (TP Hải Phòng). Diễn ra đến ngày 16/11, liệu liên hoan có tạo ra được làn gió mới, có tạo được cú hích để các đoàn kịch học hỏi lẫn nhau, làm mới chính mình?
1. Lẽ ra, Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021 đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức từ hồi tháng 7, song do diễn biến của đại dịch Covid-19, nên đã phải dời lịch tổ chức sang trung tuần tháng 8. Đến trung tuần tháng 8, dịch vẫn chưa yên, thành ra phải lùi tiếp đến 5/11 mới có thể khai mạc.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức. Tham dự Liên hoan lần này có 14 đơn vị, 20 vở diễn với hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương đều thuộc khu vực phía Bắc. Với các đơn vị đăng ký tham gia Liên hoan tại TP HCM, Ban tổ chức Liên hoan sẽ tổ chức ở TP HCM vào một thời điểm thích hợp.
Giữ vai trò “cầm cân nảy mực” tại Liên hoan là Hội đồng nghệ thuật gồm: NSND Trần Minh Ngọc - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM - Chủ tịch Hội đồng; NSƯT Lê Chức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; NSND Lê Huy Quang -Thư ký Tòa soạn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà viết kịch Lê Quý Hiền; NSND Minh Hòa - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội; Đại tá, NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan cho biết, Liên hoan Kịch nói lần này tại thành phố Hải Phòng diễn ra trong không khí kỷ niệm 100 năm kịch nói Việt Nam - một loại hình nghệ thuật luôn bám sát hơi thở của cuộc sống. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ có dịp phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sỹ tiền bối đã gầy dựng nên.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đề nghị các nghệ sĩ về dự Liên hoan đem hết tài năng để thực hiện tốt nhất những thành quả lao động nghệ thuật của mình trong thời gian qua. Hội đồng nghệ thuật là những NSND, NSƯT, những nhà nghiên cứu có uy tín trong hoạt động nghệ thuật. Hội đồng sẽ làm việc công tâm, khách quan… lựa chọn ra những vở diễn hay nhất, những diễn viên tài năng để tôn vinh tại Liên hoan.
“Đất nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và từng bước khôi phục để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và các văn nghệ sĩ trong thời gian qua đã luôn nỗ lực, vượt khó để chung tay tạo nên những liều vaccine tinh thần, cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 cũng là một hoạt động biểu thị mong muốn vực dậy nền sân khấu sau đại dịch Covid-19”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
2. Ngay sau phần khai mạc, mở màn cho Liên hoan là vở diễn “Đường chân trời” (tác giả: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) do Đoàn Kịch nói Hải Phòng dự thi. Đây là một vở kịch hay về gia đình, khai thác mặt sau của hạnh phúc gia đình, thấy được sự không tròn trịa, thiếu đầm ấm để tìm cách vun đắp. Các nghệ sĩ Hải Phòng với lối diễn tâm lý và chân thật đã mang lại cho người xem nhiều cảm xúc và buộc phải suy ngẫm để làm sao không rơi vào lối sống vô trách nhiệm, vô tâm ngay cả với những người thân trong gia đình.
Trong thời gian diễn ra Liên hoan, các vở kịch xuất sắc của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật được trình diễn. Bên cạnh những đơn vị có bề dày truyền thống, lại có những đơn vị nghệ thuật mới, tuổi đời non trẻ nhưng đã có những vở kịch dày dặn, chững chạc. Có thể kể tới Sân khấu Lệ Ngọc – một địa chỉ xã hội hóa sân khấu hoạt động sôi nổi tại Hà Nội trong vài năm gần đây. Tham dự Liên hoan, Sân khấu Lệ Ngọc có hai tác phẩm ứng thí là “Làm vua” của đạo diễn Lê Quý Dương và “Chí Phèo - Thị Nở” của đạo diễn Lê Hùng, hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với những tác phẩm khác như “Thiên mệnh” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Hà Thành chính khí” của Nhà hát Kịch Hà Nội hoặc “Người con gái sông Bồ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội, “Trái tim thành phố” của Nhà hát Công an Nhân dân.
Sân khấu kịch Việt Nam đang được cho rằng có sự “tụt hậu” rất xa so với sân khấu thế giới. Nguyên nhân được chỉ ra thì có nhiều, và người ta cũng đang chờ đợi một cuộc “cách mạng” để thực sự kích thích những tìm tòi, sáng tạo mới.
Trong đó có việc xác định hệ thống quản lý, tổ chức và vận hành đời sống sân khấu trên phạm vi cả nước; mở rộng cơ sở và chương trình đào tạo với việc giới thiệu và ứng dụng vào thực tiễn các trường phái sân khấu tiên tiến trên thế giới; đẩy mạnh giao lưu hợp tác và hội nhập với sân khấu quốc tế cả ở trong nước và nước ngoài; quy hoạch lại một lần nữa toàn bộ hệ thống nhà hát và cơ sở hạ tầng dành riêng cho sân khấu…
Tuy nhiên, từ những hoạt động của giới làm nghề như Liên hoan Kịch nói toàn quốc thế này, công chúng cũng có quyền đòi hỏi và chờ đợi sự “tự soi, tự sửa” của những người làm nghề chân chính. Bởi phải tự làm mới mình, phải tự cứu mình, trước khi chờ đợi từ những yếu tố bên ngoài…
Và những “con mắt xanh” của những người “cầm cân nảy mực” ở Liên hoan, cũng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những yếu tố mới, lạ; phê phán, căn chỉnh những gì chưa hay, thậm chí lệch chuẩn để nâng tầm kịch nói Việt Nam…