Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày 7/11/2021, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPG Việt Nam (7/11/1981-7/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.
Tham dự buổi lễ về phía Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam có: ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương; Đại sứ nước Srilanka, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tại Hà Nội cùng đại diện một số tôn giáo.
Về phía GHPG Việt Nam có Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ - Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Dục, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam; cùng Chư tôn đức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; Chư tôn đức Lãnh đạo các Ban, Viện Trung ương tại điểm cầu Hà Nội thông qua đường truyền của UBTƯ MTTQ Việt Nam, điểm cầu TP Hồ Chí Minh (tại Văn phòng 2 Trung ương GHPG Việt Nam - Thiền viện Quảng Đức) và kết nối với các điểm cầu tại Trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố.
Phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc
Thông điệp nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPG Việt Nam của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam nêu rõ: Ngày 7/11/1981 là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với Tăng, Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam.
Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung GHPG Việt Nam.
Là chủ thể kế thừa tinh hoa 2000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, mọi Phật sự của Giáo hội đều được thực hiện theo phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội là minh chứng cho tinh thần nhập thế của GHPG Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPG Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh mong muốn các cấp Giáo hội, các Ban, Viện ở trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, Tăng, Ni, Cư sĩ Phật tử hãy tiếp tục nêu cao truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội.
Hơn lúc nào hết, Tăng, Ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một Tỳ kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của Đạo Phật trong thời đại ngày nay.
Trước bối cảnh đất nước đang phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, dân giàu, nước mạnh, Giáo hội cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa, tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Năng động hơn nữa trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc
Trong diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập GHPG Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam khẳng định, chặng đường 40 năm trưởng thành, phát triển, hội nhập cùng đất nước, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam có được tiền đồ như ngày nay ở trong nước và trên thế giới.
GHPG Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài với gần 55 ngàn Tăng, Ni, 18 ngàn ngôi chùa và tự viện cơ sở Phật giáo, hàng chục triệu tín đồ Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài.
Hội đồng Chứng minh là biểu tượng tinh thần Đạo pháp, Hội đồng Trị sự điều hành 13 Ban, Viện và 63 Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, thành phố.
GHPG Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xiển dương đạo pháp, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong 40 năm qua (1981-2021), GHPG Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam.
Về các hoạt động nhân đạo từ thiện, GHPG Việt Nam đã có những đóng góp rất đáng tôn vinh, mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng tham gia trong các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, chăm sóc y tế đối với cộng đồng, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
GHPG Việt Nam đã tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu hợp tác Phật giáo quốc tế; coi trọng công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Cử các đoàn hoằng pháp đi giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc tại các ngôi chùa Việt khắp năm châu trở thành nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, góp phần khẳng định và nâng tầm cộng đồng người Việt trên thế giới.
Hoạt động học thuật của Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu, và của 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển, biên tập và xuất bản nhiều bộ sách có giá trị học thuật cao, đặc biệt là đang xuất bản bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam là công trình thế kỷ khẳng định tầm vóc Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nêu rõ, thành tựu các Phật sự trong 40 năm qua, đó là nền tảng, động lực để hoàn thành chương trình Phật sự nhiệm kỳ 8 và các nhiệm kỳ tiếp theo của Giáo hội tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng hành cùng khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng đất nước ta trở thành nước phát triển, Tăng, Ni, Phật tử hãy năng động hơn nữa trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Xây dựng mô hình Giáo hội kiến tạo ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác hoằng pháp, hướng dẫn đồng bào Phật tử và quản trị hành chính Giáo hội cấp từ trung ương đến địa phương, cũng như kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tạo thành nguồn lực mạnh mẽ phát triển Giáo hội.