Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Vũ Mạnh 07/11/2021 12:36

Sáng ngày 7/11, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (7/11/1981-7/11/2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Dự buổi lễ tại điểm cầu UBTƯ MTTQ Việt Nam có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân Vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; đại diện một số tôn giáo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tham dự Đại lễ.

Về phía GHPG Việt Nam có Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ - Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam; Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam; cùng Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tham dự Đại lễ.

Trong diễn văn khai mạc Đại lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam khẳng định, "GHPG Việt Nam ra đời là kết tinh trí tuệ và nguyện vọng tha thiết thống nhất Phật giáo từ hàng ngàn năm, tiếp nối sự nghiệp của Chư vị lịch đại Tổ sư qua các thời kỳ lịch sử”.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam đọc diễn văn tại Đại lễ kỷ niệm.

Với truyền thống đoàn kết, hòa hợp, truyền thống nhập thế đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong suốt 2000 năm lịch sử, Tăng, Ni, Phật tử GHPG Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cùng đất nước vững bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, khẳng định được vai trò, vị thế như ngày nay.

Trong 40 năm qua (1981-2021), GHPG Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về hệ thống tổ chức từ trung ương đến các địa phương, về chủ trương hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài, xiển dương chân lý, hoằng pháp lợi sinh hướng dẫn đồng bào Phật tử, phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo trong việc giữ gìn các di sản văn hóa Việt Nam…

Thượng tọaThích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam báo cáo thành tựu Phật sự trong 40 năm hình thành và phát triển.

Báo cáo thành tựu Phật sự trong 40 năm hình thành và phát triển, Thượng tọa, TS Thích Đức Thiện Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam cũng nêu rõ, sau 40 năm, GHPG Việt Nam quản lý các cơ sở tự viện, Tăng, Ni, Phật tử trên toàn quốc với số lượng 18.544 cơ sở tự viện; 54.169 Tăng, Ni, gồm: 40.095 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 8 Tu nữ; 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.284 Khất sĩ và hàng chục triệu tín đồ Phật tử tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện; khoảng 60%/93.000.000 dân số là những người yêu mến đạo Phật trong cả nước.

Phật sự nổi bật của Ban Tăng sự Trung ương trong 40 năm qua là tổ chức, quản lý tốt công tác Tăng, Ni, tự viện; hướng dẫn thống kê Tăng, Ni, tự viện; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận Tăng, Ni, An cư kết hạ, thuyên chuyển vùng tu học và sinh hoạt Phật sự, bổ nhiệm trụ trì các tự viện trên cả nước.

Hướng dẫn Ban Trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức hàng trăm Đại Giới đàn, truyền giới cho hàng chục ngàn giới tử.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Đại lễ.

Công tác giáo dục và đào tạo Tăng, Ni có trình độ Phật học căn bản và nâng cao cũng được Giáo hội quan tâm và trú trọng. Giáo hội đã chủ động giới thiệu hơn 500 Tăng, Ni sinh đi du học tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Srilanka…

Có gần 300 Tăng, Ni sinh đã tốt nghiệp trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ về nước phục vụ công tác Giáo hội các cấp. Đây là nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo giáo dục Phật giáo của Giáo hội trong thời hiện đại.

Là một trong những công tác Phật sự trọng yếu của Giáo hội, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo Tăng, Ni, Phật tử và các chùa, tự viện các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà tặng cho GHPG Việt Nam.

Công tác từ thiện tập trung vào các hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động.

Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 1 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại lễ kỷ niệm.

Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước.

Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sĩ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc…

Kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng.

Trong đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh, thành phố, Tăng, Ni, Phật tử các Tự viện tích cực tham gia phòng chống dịch bằng nhiều hình thức như ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế v.v... cho đồng bào vùng phong tỏa, cách ly và những người tuyến đầu phòng chống dịch hoặc lấy cơ sở tự viện làm điểm cách ly tập trung cho bệnh nhân Covid-19.

Nhiều Tăng, Ni, Phật tử đã tham gia vào tuyến đầu, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid tại các bệnh viện dã chiến.

Hưởng ứng vận động của Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh thành đã ủng hộ vào quỹ vaccine, máy thở, máy tạo oxy, thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GHPG Việt Nam.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của GHPG Việt Nam trong suốt 40 năm với công tác phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, góp phần vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng GHPG Việt Nam; trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho 10 cá nhân, tập thể của GHPG Việt Nam có nhiều đóng góp to lớn trong hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước.

Tiếp nối dòng chảy của Phật giáo yêu nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh ngày nay, ở thời kỳ nào, dù trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay hòa bình phát triển đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng gắn liền với lịch sử dân tộc và đều có rất nhiều tấm gương điển hình giúp đời, “hộ quốc, an dân”.

Đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng mà GHPG Việt Nam và Tăng, Ni, Phật tử cả nước đã đạt được trong những năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo.

Trong đó khẳng định “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung".

Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.

Chủ tịch nước mong muốn và đặt nhiều niềm tin GHPG Việt Nam cùng Tăng, Ni, Phật tử cả nước sẽ tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín của mình trong việc tăng cường xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo; phát huy sức mạnh của tôn giáo, của tín ngưỡng, của văn hóa để phát triển đất nước; tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa đồng bào Phật giáo ở trong và ngoài nước trong ngôi nhà chung Giáo hội; thực hiện đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân cả nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng. Đồng thời, tiếp tục chung tay đóng góp để xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng MTTQ Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh trong cả nước.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho các cá nhân tại Đại lễ.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, đã trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho nhiều cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 15 cá nhân thuộc GHPG Việt Nam; UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen cho 31 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Cư sĩ tiêu biểu.

Để chung tay công tác phòng chống dịch, GHPG Việt Nam đã ủng hộ Quỹ Phòng chống Covid-19 số tiền 1 tỷ đồng.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 từ GHPG Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tại Đại lễ.

Vũ Mạnh