Nguồn cảm hứng bất tận từ mô hình thu nhỏ tái hiện đô thị xưa
Gần 7 năm qua, anh Nguyễn Phúc Đức (32 tuổi, TP HCM) đã dành nhiều thời gian và tâm huyết chế tác các mô hình thu nhỏ bằng gỗ. Đến nay, anh sở hữu bộ sưu tập độc đáo về các con đường, góc phố tái hiện khung cảnh "Sài Gòn" những ngày xưa cũ.
“Sài Gòn - nguồn cảm hứng bất tận”
Tới phòng trưng bày tác phẩm những mô hình tiểu cảnh tại số 3 Trương Định, Phường 8, Quận 4, TP HCM, hỏi thăm anh Đức - người sở hữu bộ sưu tập tái hiện đường phố "Sài Gòn" những ngày xưa cũ ai cũng biết.
Những mô hình tiểu cảnh thu hút người xem bởi kích thước bé nhỏ, độc đáo nhưng không kém phần mới lạ, đặc biệt. Nói về cơ duyên quyết định khởi nghiệp với loại hình chưa ai thử sức, anh Đức tâm sự:
“Ngày xưa khi còn là cậu học sinh lớp 6, tôi được bố tặng cho mô hình biệt thự thu nhỏ và bản thân tôi rất thích. Tôi cố gắng gìn giữ và cất đặt món quà rất cẩn thận. Lớn lên, phát hiện bản thân có niềm đam mê với mô hình. Tôi nghĩ cách khởi nghiệp bằng chính niềm đam mê của mình”.
Anh Đức kể, thời điểm anh quyết định khởi nghiệp bằng mô hình tiểu cảnh thu nhỏ tại TP HCM chưa một ai kinh doanh loại hình này. Vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện, anh Đức vấp phải không ít khó khăn.
“Tôi bắt đầu bằng việc mua máy cưa để thử nghiệm nhưng đều thất bại rất nhiều lần. Ngày đấy, để có tiền nuôi đam mê, tôi mạo hiểm bán luôn xe để đầu tư mua máy móc, rồi lại thất bại, lại chạy vạy khắp nơi và rồi lại hư hỏng... Sau đó, bắt buộc phải nhập các mô hình nước ngoài về bán kiếm tiền lời để đầu tư cho việc nghiên cứu”, anh Đức nói.
Đến năm 2017, sau nhiều lần thất bại, anh Đức tìm được hướng đi riêng và bắt đầu thực hiện ước mơ cho riêng mình. Bằng chính lòng quyết tâm không bỏ cuộc, những mô hình tái hiện quầy tạp hóa, sạp báo, hớt tóc vỉa hè… cứ thế ra đời thu hút sự chú ý của nhiều người.
Đến nay, anh Đức sở hữu cho riêng mình bộ sưu tập với gần 100 mô hình tiểu cảnh, phần đa trong số đó là những mô hình tái hiện khung cảnh "Sài Gòn" xưa. Anh cho hay, TP HCM vẫn luôn là đề tài bất tận để anh sáng tác, thỏa sức sáng tạo.
Với anh, những câu chuyện mà các ông, các bác, các chú và người thân truyền tai nhau kể về "Sài Gòn" đã khơi nguồn cảm hứng dựng lại mô hình vùng đất nơi anh thuộc về.
Những mô hình tái hiện khung cảnh "Sài Gòn" những ngày xưa cũ góp phần tái hiện ký ức của tuổi thơ, đưa thế hệ trẻ trở về với những văn hóa, ký ức về một thành phố phồn hoa. Những mô hình được làm bởi sự tận tâm, tỉ mỉ vì thế khiến nhiều người nhầm tưởng là đồ chơi trẻ con.
Anh Đức là người con của TP HCM bởi vậy anh muốn khắc họa lại những ký ức về vùng đất này qua đó giáo dục thế hệ trẻ đạo lý uống nước nhớ nguồn.
“Tôi yêu TP HCM nên muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho vùng đất đã nuôi dưỡng tôi từ ngày bé cho đến khi lớn lên. Vì lẽ này mà TP HCM luôn là nguồn cảm hứng bất tận, ở đó tôi có thể thỏa sức sáng tạo”, anh Đức giãi bày.
Khó khăn… nhưng không chùn bước
Thời điểm anh Đức quyết định khởi nghiệp bằng những mô hình tái hiện khung cảnh "Sài Gòn" xưa thu nhỏ, có nhiều người nghĩ anh có vấn đề về thần kinh. Thậm chí, anh còn bị nghi ngờ về giới tính vì suốt ngày cắm đầu vào những mô hình nhìn như đồ chơi thu nhỏ của con nít.
Bỏ ngoài tai những lời định kiến đầy ác ý, anh Đức vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Nhiều lần thất bại, mất trắng nhưng anh vẫn không chùn bước.
“Nghề này rèn cho tôi tính kiên trì, nhẫn nại. Trước đây, bản thân tôi là người nóng vội nhưng bây giờ tôi biết cách kìm những hạn chế của bản thân”, anh Đức nói.
Anh cho biết, tất cả những chi tiết nhỏ nhất, những hình ảnh về từng vật phẩm trong quầy tạp hóa mô hình được anh thu nhỏ chỉ bằng một cái móng tay. Chính vì vậy, đòi hỏi tính tập trung cao độ và sự tỉ mẩn đến từng chi tiết khi thực hiện.
Do kích thước đã nhỏ lại phải chú trọng từng chi tiết nên để làm được một mô hình đòi hỏi anh Đức phải có sự tỉ mỉ và kiên trì cao... Anh cho rằng công đoạn nào cũng khó, khó từ lúc lên mẫu, lên ý tưởng rồi khó về tìm nguyên vật liệu. Nguyên vật liệu phải dựa trên những vật liệu cũ kỹ, vật liệu càng thô sơ bao nhiêu thì mô hình càng đời thực bấy nhiêu, cứ đời nhất để sản phẩm đẹp và có giá trị.
“Thiết kế cũng mất khá nhiều chất xám, vì nếu thiết kế ra để chơi thì dễ, nhưng để vừa đẹp vừa dễ ráp, để người chơi có thể ráp được và không chán mô hình của mình thì rất khó. Nếu người chơi không hứng thú và chán thì xem như mô hình thất bại”, anh giãi bày.
Thông qua những mô hình tiểu cảnh của mình, anh Đức mong muốn thế hệ trẻ có thể nhìn nhận lại nét văn hóa của đất nước. Đồng thời, giúp các bạn trẻ sống chậm hơn và được giải tỏa căng thẳng sau những áp lực trong cuộc sống.
“Tôi hạnh phúc khi đã tạo được cộng đồng lớn những bạn trẻ thích thú với thú chơi lắp ráp mô hình. Thế nhưng, thông qua những mô hình, tôi mong mọi người có thể hồi ức, được tìm hiều về nét văn hóa của người dân TP HCM những thập niên về trước...”, anh Đức nhắn nhủ.