Từ chối đồ miễn phí
Cuối cùng Bộ GTVT đã đưa ra cái lắc đầu với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về việc nhập khẩu 37 toa tàu có tuổi thọ 40 năm của Nhật Bản. Lý do: Luật Đường sắt và nghị định hướng dẫn không cho phép làm điều đó, dù VNR đã cố giải thích rằng số toa tàu trên có “hơi già” nhưng vẫn “chạy tốt”, lại miễn phí.
Gọi là miễn phí là bởi đối tác của VNR ở phía Nhật Bản hứa sẽ “tặng không” cho đơn vị này số toa tàu nói trên. Song, VNR phải chịu phí vận chuyển cũng như mọi loại thuế, phí phát sinh để đưa được 37 toa tàu từ Nhật Bản về tới Việt Nam. Theo dự kiến của VNR, sẽ phải tốn tới 140 tỷ đồng để trả cước vận chuyển và các loại chi phí khác.
Thực tế cũng có thể đúng như cách nghĩ và sự lý giải của VNR, số toa tàu có tuổi thọ 40 năm của Nhật Bản vẫn còn tốt, thậm chí tốt hơn một số toa tàu hiện đơn vị này đang khai thác, vận hành. Chẳng phải vào những năm thập niên 80, 90 thế kỷ trước, chúng ta vẫn rất ưa chuộng và săn lùng mua xe máy “bãi” của Nhật nhập khẩu về Việt Nam hay sao?
Trên thực tế, “xe bãi” chính là những chiếc mô tô mà người Nhật đã dùng một thời gian dài. Song, vào thời điểm đó nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội người Việt thích hàng Nhật, nhập khẩu “xe bãi” về bán chạy như “tôm tươi”. Quả nhiên những chiếc “xe bãi” còn chạy khá bền nhiều năm sau đó.
Trong trường hợp 37 toa tàu có tuổi thọ 40 năm mà VNR muốn nhập khẩu về Việt Nam chắc cũng bền vậy. Song, thời điểm và bối cảnh xã hội đã khác. Từ những năm 2000 trở lại đây, ngay cả người dân cũng không còn chuộng “xe bãi” nữa mà chỉ thích mua xe mới tinh, nói gì đến hành lang pháp lý đã chặt hơn.
Những năm qua, hành lang pháp lý đã có nhiều thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn khi quy định về việc nhập các loại phế thải vào Việt Nam. Nếu gọi đúng bản chất thì số toa tàu mà VNR xin được nhập khẩu vào Việt Nam chính là rác thải. Chỉ có điều loại rác thải này vẫn còn có thể tạm sử dụng thêm được một thời gian nhất định trước khi vứt hẳn.
Theo đó, quy định của pháp luật không cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị... nhập khẩu rác thải núp bóng máy móc từ nước ngoài vào Việt Nam. Chẳng phải khi hành lang pháp lý còn lỏng lẻo, chúng ta đã vấp phải nhiều “vố” đau vì mua và nhập khẩu các loại rác thải, tiêu tốn ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng đó sao?
Giả dụ VNR được phép nhập khẩu 37 toa tàu có tuổi thọ 40 năm nói trên, liệu ngoài 40 tỷ đồng phí vận chuyển “cứng”, số tiền 100 tỷ đồng dự kiến còn lại có đủ để hoán cải, sửa chữa các toa tàu để có thể đưa vào khai thác, vận hành an toàn? Hay đến lúc đó VNR lại có thể xin đội giá hoán cải, sửa chữa lên vì lúc trước “tính toán nhầm”?
Chẳng phải tật cố hữu của một số doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị xưa nay là cứ dự kiến một số tiền thật thấp nhằm trót lọt, để cấp trên đồng ý, rồi sau đó lại xin chủ trương đội giá thành lên đó sao? Ngay cả khi không bị đội giá, ngân sách vẫn chỉ phải chi 140 tỷ đồng như VNR dự kiến thôi, thì liệu có xứng đáng bỏ ra để “mua” 37 toa tàu đã “già” tới 40 tuổi?
Vì thế, việc Bộ GTVT chủ trương không đồng ý với đề xuất nhập khẩu số toa tàu cũ nói trên của VNR là hợp lý, được dư luận xã hội ủng hộ. Làm sao có thể không ủng hộ khi mà lãnh đạo Bộ GTVT đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chứ không vì “đứa con cưng” VNR mà có ngoại lệ. Từ chối đồ miễn phí, kể cũng hay!