An toàn để đón khách
Chiều 6/11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10/2021.
Trả lời báo chí về việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ban hành hướng dẫn tạm thời với 4 nội dung cụ thể. Trước hết, dự kiến từ ngày 20/11, thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại tỉnh Kiên Giang. Thời gian thí điểm kéo dài 1 tháng.
Cùng với thí điểm tại tỉnh Kiên Giang, cũng sẽ triển khai thêm tại các địa phương là Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh.
“Sau khi thành công ở các địa phương mở cửa du lịch thí điểm, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu để mở rộng phạm vi đón khách đối với các địa phương đáp ứng điều kiện” - ông Cương nói đồng thời cho biết đối với khách du lịch phải đảm bảo tiêm đủ mũi vaccine, có kết quả âm tính xét nghiệm PCR không quá 72 giờ, có bảo hiểm y tế, trong đó có nội dung chi trả điều trị Covid-19 và có chương trình trọn gói du lịch lữ hành.
Đây được coi là bước đi cụ thể hiện thực hóa việc “mở cửa” khôi phục và phát triển du lịch khi dịch Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm khống chế khi dịch bùng phát, số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã tương đối nhiều. Đặc biệt tại các điểm du lịch trọng điểm như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), đều đã có kế hoạch mở cửa từ trước và cũng đã chuẩn bị tốt các điều kiện để đón khách an toàn, cả khách nội địa cũng như khách quốc tế.
Kể từ đầu năm 2020 tới nay, nước ta đã qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Nặng nề nhất là đợt dịch thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, có tới 62/63 tỉnh, thành cả nước có ca nhiễm SARS-CoV-2, trừ tỉnh Cao Bằng. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu như trước năm 2020, trong vòng 10 năm, doanh thu từ du lịch luôn tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước thì 2 năm qua các hoạt động du lịch là không đáng kể, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch phải đóng cửa, hầu hết các điểm du lịch “ngủ đông”. Nhiều người trong ngành du lịch thất nghiệp, nhiều người “ăn theo” dịch vụ du lịch chuyển nghề, sản phẩm du lịch ế ẩm, thất bát. Hệ thống nhà hàng, khách sạn thua lỗ.
Mở cửa, vừa phòng, chống Covid-19 vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đó của Chính phủ căn cứ vào thực tiễn tình hình. Cùng với việc đẩy mạnh tiêm vaccine, thực hiện quy định 5K, thì việc phong tỏa diện hẹp khi xuất hiện ca F0 là phù hợp với diễn biến vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Kể từ 1/10 đến nay, nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều mặt hoạt động đã khôi phục. Số doanh nghiệp tái sản xuất, tăng năng lực sản suất ngày một nhiều. Kể cả Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương “nóng” nhất trong đợt dịch lần thứ 4 thì cũng đã từng bước mở cửa an toàn.
Trong bối cảnh ấy, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế là rất cần thiết, nếu không muốn chậm chân. Cũng cần nhắc lại, Việt Nam đã tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine” của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vaccine. Trên thực tế, giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa Việt Nam sẽ chính thức đón khách du lịch quốc tế đến Kiên Giang. Tại thời điểm này, tuy dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp mới nhưng cơ bản vẫn trong vòng kiểm soát. Nhất là tại các địa phương dự kiến đón khách du lịch quốc tế lần này thì tình hình khá yên ổn. Vì thế, việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế (giai đoạn 1 trong 3 giai đoạn) từ ngày 20/11 là hợp lý. Từ nay tới ngày đó, địa phương và ngành y tế cần tiếp tục hoàn chỉnh các điều kiện phòng, chống dịch, chỉ có như vậy mới đảm bảo mở cửa thành công.