Bản Yên mong một con đường
Con đường độc đạo dài 7 km nối từ QL217 dẫn vào bản Yên, xã Mường Mìn, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) nơi có 134 hộ dân sinh sống, một bên suối sâu, một bên là sườn núi dựng đứng. Nhiều năm qua, con đường này đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc đi lại của bà con dân bản gặp nhiều khó khăn.
Khó như đường về bản Yên
Bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn là một bản nghèo nằm giáp với biên giới Việt Nam - Lào. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế kém phát triển của bản là tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng của con đường độc đạo dài hơn 7 km dẫn từ QL217 vào.
Từ nhiều năm trở lại đây, con đường này ở trong tình trạng “da báo”, cứ vài trăm mét được trải nhựa lại xen lẫn nhiều đoạn chỉ có đá cấp phối gồ ghề. Taluy, nền đường khá nhiều chỗ đã sạt lở. Tại khu vực có con suối chảy cắt ngang đường, 2 bên bờ sạt lở nghiêm trọng, mặt đường chỉ còn lại từng lớp đá nhấp nhô như “giăng bẫy” người qua lại.
Bà Hà Thị Mùa - một người dân sinh sống tại bản Yên cho biết: Đường hư hỏng như hiện tại đã kéo dài suốt từ mấy năm qua. Thường khi có việc phải xuống trung tâm xã hay đi chợ thì người già phải nhờ đám con cháu cứng tay lái, dùng xe máy chở đi.
Cũng vì đường xấu, khó đi nên mọi hoạt động giao thương của dân bản bị đình trệ. Hạt ngô, hạt lúa, con gà con vịt nuôi trồng được nếu muốn bán lại phải dùng xe máy chở xuống phố huyện rất vất vả. “Không biết đến bao giờ bản mới có một con đường để góp phần xóa nghèo đói!” - bà Mùa nói.
Trưởng bản Yên, ông Hà Văn Thi chia sẻ: Hiện bản Yên có 134 hộ gia đình với hơn 600 nhân khẩu sinh sống, 100% dân bản là người đồng bào Thái. Con đường dẫn vào xã vốn là đường công vụ kết hợp dân sinh nối từ QL217 đến tuyến đường tuần tra biên giới và Đồn biên phòng 499. Những ngày trời nắng chỉ cần một cơn gió thổi tới, bụi đá dưới đường cuộn lên bay mù mịt, gió lớn không thể thấy đường, phải dừng lại chờ tan bụi mới đi tiếp không thì dễ lao xe xuống vực, còn đến mùa mưa đi qua đoạn cống tràn rất nguy hiểm, bởi nước lũ dềnh lên, chảy xiết.
Chờ vốn đầu tư
Được biết, năm 2019, sau mùa mưa lũ, tỉnh Thanh Hóa từng trích 10 tỷ đồng từ nguồn xử lý khắc phục thiên tai khẩn cấp để thi công nâng cấp, sửa chữa một số đoạn xung yếu của tuyến đường. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ sau vài mùa mưa lũ, tuyến đường đã hư hỏng như chưa hề được tu sửa và trông như một dự án bị bỏ dang dở. Những vị trí cần tu tạo nhất như vị trí cống tràn, đã bị sạt lở nghiêm trọng lại chưa được thi công...
Nguyện vọng của người dân ở đây là mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa và các ban ngành quan tâm để tuyến đường sớm được thi công, tu tạo, để người dân, đặc biệt các cháu nhỏ thuận lợi hơn trong việc đi lại đến trường học tập, giao thương, nhất là vào mùa mưa lũ.
Ông Phạm Bá Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Mường Mìn cho biết: Nguyện vọng của bà con rất mong muốn được đầu tư làm mới, để có con đường khang trang, hoàn chỉnh hơn. Xã cũng đã làm văn bản đề xuất lên huyện để xin bố trí kinh phí hoàn thiện nốt tuyến đường cho người dân, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì.
Được biết, tháng 11/2020, UBND huyện Quan Sơn đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình khắc phục sửa chữa đường công vụ từ Đồn biên phòng 499 lên đường tuần tra biên giới xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn. Sau khi nhận được tờ trình này, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thống nhất chủ trương cần thiết đầu tư sửa chữa, khắc phục tuyến đường công vụ có vị trí chiến lược này.
Ngày 18/11/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 16219/UBND-THKH giao các Sở Tài chính, KHĐT, Giao thông vận tải và UBND huyện Quan Sơn nghiên cứu đề nghị của địa phương. Công văn có đoạn: “Trường hợp dự án không đảm bảo điều kiện hỗ trợ đầu tư khắc phục khẩn cấp theo quy định, giao Sở KHĐT căn cứ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 được Bộ KHĐT thông báo và tình hình thực tế, tham mưu, xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh”. Công văn chỉ đạo là vậy, tuy nhiên từ đó đến nay, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc bố trí nguồn vốn đầu tư dự án.