GS.TS Lê Huy Hàm: Nhà khoa học của nhà nông
Dành hơn 30 năm để nghiên cứu nhân giống và chọn tạo giống cây trồng, có thể nói, GS.TS Lê Huy Hàm là một trong những nhà công nghệ sinh học hàng đầu Việt Nam với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học giá trị. Năm 2020, ông được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” vì có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành nông nghiệp và đời sống nông dân.
Trăn trở với người nông dân
Trong Chương trình xét chọn và tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 3, năm 2020, GS.TS Lê Huy Hàm - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) là một trong 68 cá nhân trên toàn quốc được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” vì có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành nông nghiệp và đời sống nông dân.
Kể lại cái duyên đến với nông nghiệp, GS Lê Huy Hàm chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kishinov với tấm bằng Đỏ và hoàn thành bảo vệ luận án Tiến sĩ vào năm 1986, tôi về nước công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.
Lúc đó, mặc dù là nước nông nghiệp, phần lớn dân số là nông dân nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực. Thực tế này khiến ông day dứt, trăn trở và tự đặt ra cho mình nhiệm vụ nghiên cứu ra những giống cây trồng phù hợp, hiệu quả để phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Công trình đầu tiên là nhân giống cây chuối bằng nuôi cấy mô tế bào năm 1993. Năm 1996, phương pháp nuôi cấy mô tế bào này được áp dụng cho cả cây mía và cho đến tận bây giờ vẫn được các công ty và người nông dân sử dụng.
GS Lê Huy Hàm chia sẻ: Theo kinh nghiệm dân gian, muốn trồng cây chuối thì phải đào củ chuối con. Với cách làm này, nếu trồng 1 sào thì có thể tìm đủ giống, 1 mẫu cũng có thể tìm đủ, 1 hécta cố gắng sẽ tìm đủ, nhưng 10 hécta hoặc hơn, thì không thể nào tìm đủ giống được. Để trồng chuối, mía phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn thì phải sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Ngoài tác dụng cung cấp đủ giống, phương pháp này cũng giúp vườn chuối, mía phát triển đồng đều, sạch bệnh và được trẻ hóa, cho năng suất cao. Có như vậy, chuối mới đủ tiêu chuẩn và số lượng để xuất khẩu. Đây là công trình đầu tiên và cũng là một trong những công trình nghiên cứu quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi, bởi nó đã để lại nhiều dấu ấn trong thực tiễn nhất.
Ngoài phát triển công nghệ nhân giống cây chuối, cây mía, cây hoa, cây cảnh, cây dược liệu có giá trị kinh tế để chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp, ông là người đầu tiên đã thành công trong việc tạo cây ngô đơn bội kép từ hạt phấn ngô phục vụ cho công tác chọn tạo giống ngô. Ông đã cùng với đồng nghiệp nghiên cứu thành công quy trình tái sinh ở cây ngô, đậu tương, sắn, bèo tấm để tạo giống cây trồng biến đổi gen chịu hạn, kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ.
Đáng chú ý, GS Hàm cùng các nhà khoa học của Vương quốc Anh giải mã thành công các giống lúa Việt Nam và đang từng bước phát triển công cụ chọn tạo giống dựa trên cơ sở giải mã dữ liệu gen. Ngoài ra, ông đã cùng với những đồng nghiệp của mình thành công bước đầu trong việc sử dụng tia ion kim loại nặng gây đột biến tạo giống cây trồng.
Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam khởi xướng việc chọn tạo giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu từ đầu những năm 2000. Những giống lúa chịu ngập, chịu mặn do ông và đồng nghiệp Viện Di truyền nông nghiệp tạo ra ngày càng có ứng dụng rộng rãi trên đồng ruộng của nông dân. Những nghiên cứu này đều được đánh giá là những công cụ quan trọng trong việc chọn tạo giống cây trồng trong tương lai cho lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
Với những thành công trong nghiên cứu khoa học, ông đã vinh dự được lãnh đạo Bộ NNPTNT giao soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai chương trình khoa học lớn là “Chương trình trọng điểm ứng dụng Công nghệ sinh học trong nông nghiệp 2005 - 2020” và “Quy hoạch ứng dụng năng lượng bức xạ trong nông nghiệp”…
Liên quan tới các vấn đề chuyên môn, GS.TS Lê Huy Hàm luôn đưa ra những câu trả lời thoả đáng trước dư luận. Như vừa qua, trước “cơn sốt” lan đột biến, ông khẳng định lan đột biến không phải cái gì quá quý hiếm mà chỉ có yếu tố lạ. Cũng giống như con gà, có con gà mái mơ, có con màu lông mật, có con đuôi dài, có con đuôi ngắn.
GS Lê Huy Hàm cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nhân cấy các giống lan đột biến bằng công nghệ In Vitro. Các nước có nền công nghiệp hoa lan phát triển như Thái Lan, Trung Quốc đều áp dụng công nghệ này. Các phòng nuôi cấy mô của Việt Nam nếu có đơn đặt hàng họ cũng hoàn toàn có thể làm được.
Ông bảo, lan đột biến chỉ thực sự mang lại giá trị kinh tế khi nhân giống hàng loạt sản xuất công nghiệp để có doanh số lớn như lan hồ điệp, từng bước hình thành nền công nghiệp hoa lan.
Hay với câu chuyện thực phẩm biến đổi gen khiến trẻ dậy thì sớm. Theo GS.TS Lê Huy Hàm, thực phẩm biến đổi gen được nghiên cứu đánh giá an toàn vô cùng vô cùng an toàn kỹ lưỡng. Suốt từ quá trình hình thành cho đến khi làm ra cây biến đổi gen trải qua nhiều loại đánh giá như đánh giá trên đồng ruộng, đánh giá trên mô hình, đánh giá trên gia súc, gia cầm trước khi sử dụng cho người…
“Nhân loại bắt đầu sử dụng cây trồng biến đổi gen từ năm 1996 cho đến 2018, tổng diện tích cây trồng biến đổi gen đã đạt 192 triệu hécta trong khi đất lúa của chúng ta vỏn vẹn chỉ có 4 triệu hécta. Cộng dồn lại từ năm 1996 đến nay tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới là 2,5 tỷ hécta. 2,5 hécta này đã góp phần làm ra hàng chục tỷ tấn lương thực thực phẩm và cho đến nay y học chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp rủi ro về sức khỏe do thực phẩm biến đổi gen gây ra”, GS Hàm nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, Việt Nam có một “quy chế bảo vệ kép” đối với thực phẩm biến đổi gen. Điều này thể hiện ở chỗ, mặc dù trên thế giới đã sử dụng thực phẩm biến đổi gen 25 năm nay và chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng sức khỏe, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ thực phẩm biến đổi gen. Sản phẩm thực phẩm biến đổi gen để được sử dụng ở Việt Nam thì phải được ít nhất là 5 nước trong khu vực OECD đồng ý thông qua thì mới cho sử dụng ở Việt Nam. OECD có cả Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là những nước có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cực kỳ cao.
Nói về việc có thông tin cho rằng việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen sẽ khiến trẻ em dậy thì sớm, GS.TS Lê Huy Hàm khẳng định, đó là những thông tin vô căn cứ, phi khoa học.
Tâm huyết với thế hệ trẻ
Trong thời gian đảm nhiệm cương vị là Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, GS.TS Lê Huy Hàm đã xúc tiến và thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước có nền công nghệ sinh học phát triển nhằm khai thác chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2010 đến nay, Viện Di truyền nông nghiệp đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 4 phòng thí nghiệm liên kết với nước ngoài nhằm đào tạo cán bộ trẻ và chuyển giao khoa học công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học vinh quang, GS.TS Lê Huy Hàm đã cùng các đồng nghiệp công bố 236 bài báo về công nghệ sinh học ở trong và ngoài nước, xuất bản 5 cuốn sách. Đồng thời, ông cũng đã chủ trì và tham gia 25 đề tài dự án nghiên cứu cấp nhà nước và quốc tế.
Không dừng lại ở công tác nghiên cứu, GS Hàm còn luôn dành tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, dìu dắt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận. Ông còn tham gia công tác giảng dạy, đào tạo sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh cho nhiều trường đại học như ĐHQG Hà Nội, ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam...