Cuộc sống tươi đẹp

Trần Hữu Thăng 05/11/2021 09:00

Tinh thần lạc quan yêu đời là cực kỳ quan trọng.

Đại thi hào Pháp, Paul Eluard đã để lại cho đời câu thơ bất hủ sau đây nhằm động viên con người trong mọi hoàn cảnh đều phải sống tích cực mà lạc quan, tin tưởng ở ngày mai, ông đã viết: “Dù có việc gì xảy ra cũng không cản được chúng ta lạc quan, tin tưởng ở ngày mai”. Trong nhiều cuốn sổ tay của nhiều người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận để chống lại kẻ thù xâm lược, dù ở Âu châu, Á châu hay Mỹ châu, người ta đều tìm thấy câu thơ này của Paul Eluard. Tại sao nhiều người có lòng tin vào cuộc sống ngày mai nhất định sẽ tốt hơn, tươi đẹp hơn ngày hôm nay? Vì đó là quy luật tất yếu của lịch sử nhân loại, vì đó là quy luật tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Mà loài người, đến năm 2021 này đã bao gồm gần 8 tỷ người. Mỗi một người là một nguồn ước ao, nguồn ước mơ tiến đến hạnh phúc nhân sinh, đúng như Georges Duhamel (1884 - 1966) đã viết: “Không có đối tượng nào ở trên đời mà không là một nguồn hạnh phúc cả”.

Tinh thần lạc quan yêu đời là cực kỳ quan trọng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Một tác giả khác lại viết: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta được thêm ngày nữa để yêu thương”. Rõ ràng qua những bản nhạc, những bài thơ đầy lạc quan tin tưởng, đã nhắc nhở con người, đã động viên con người hăng hái vượt qua mọi khó khăn gian khổ để giành lấy ấm no, hạnh phúc cho mình.

Khi vào những trung tâm thương mại, ai cũng mỉm cười nhìn những máy móc, dụng cụ điện tử, đồ gia dụng mang tên “Cuộc sống tươi đẹp”.

Cứ nhìn vào nông nghiệp Việt Nam là thấy rõ. Trước đây cứ đến mùa nắng khô, không có mưa, nhiều vùng khô hạn không có nước canh tác, đồng ruộng xơ xác. Nay đã khác xưa, nhiều vùng đã chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích hợp với tình trạng khô hạn nên nông dân vẫn có thu hoạch, có sản phẩm còn hơn trồng lúa. Trước đây những vùng ven biển bị ngập mặn, cây lúa chết. Nay đã khác xưa, người nông dân đã đào hồ tích nước ngọt, tạo những vùng đất canh tác mới thích hợp với độ mặn nên vẫn có nông sản mới với năng suất cao, xuất khẩu rất tốt.

Trước đây các kỹ sư châu Âu khẳng định là cây cao su, cây hạt tiêu, cây cà phê, cây ca cao, cây thanh long không trồng được ở phía bắc Việt Nam, đặc biệt ở miền núi. Nay đã khác xưa, các khách du lịch trong nước và nước ngoài đã chứng kiến những cây có nguồn gốc châu Âu, châu Mỹ đã mọc um tùm xanh tốt trong những cánh rừng, những trang trại, những hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Giang, Sơn La, Lai Châu... Tất cả, tất cả chỉ là cách nhìn khoa học, cách nhìn đúng đắn, cách nhìn táo bạo với tinh thần làm chủ ruộng đất mà nông nghiệp nước ta đã vươn lên mạnh mẽ, thu hàng tỷ đô la Mỹ xuất khẩu mỗi năm.

Không có tình thế bi thảm, chỉ có cách nhìn, cách nghĩ bi thảm mà thôi. vượt qua được, vượt lên được cái cách nghĩ bi thảm đó là ta lại tìm thấy “Cuộc sống tươi đẹp”.

Ở đời chớ nên bao giờ than vãn, trách móc, âu sầu buồn bã mà tự hại mình. Vì sao? Vì lúc cơ thể bồn chồn, rối bời, tâm trí rối loạn sẽ tự động kích hoạt các chất có hại trong cơ thể, dễ sinh ra bệnh tật. Khi đó, ai đang có bệnh mạn tính thì bệnh sẽ nặng thêm, ai bệnh nặng sẵn thì dễ ra đi.

Trái lại, người biết suy nghĩ thấu đáo, tâm bình an, thong thả, ôn hòa sẽ tìm được cách tháo gỡ, tìm được cách đối phó với tình hình. Huyết áp ổn định, nhịp tim bình thường, phong thái khoan thai sẽ kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động: lympho B, lympho T cùng các a globulin, g globulin được hoạt hóa để bảo vệ cơ thể, chống lại mọi tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như các loại vi trùng, virus, kể cả Covid-19. Cơ thể tăng tiết endorphin, encéphalin, dopamin... là những hóa chất có lợi, giúp ích cho cơ thể vượt qua được dịch bệnh đến từ bên ngoài. Những hóa chất này còn làm cho cơ thể hào hứng, vui vẻ, yêu đời, phấn khởi vượt qua được mọi khó khăn.

Trên thực tế có một số người “sinh ra đã khóc, suốt đời than phiền và chết trong tuyệt vọng” như một danh ngôn phương Tây đã mô tả. Nếu trong gia đình ta, tập thể nơi ta sinh sống phát hiện ra những cá nhân này thì cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Ngay trong lời khuyên đối với các vị cao tuổi (có nước quy định trên 75, trên 85 tuổi mới gọi là người cao tuổi), các chuyên gia có kinh nghiệm về lão khoa đã tổng kết: “Hãy làm con chim bay lượn trên trời, đừng làm ông sư khổ hạnh” cốt để tránh tình trạng cô đơn, cô độc, tủi thân mà người già thường gặp.

Muốn có một cuộc sống tươi đẹp, phải tập từ nhỏ cách nhìn, cách nghĩ, cách nói, cách thể hiện, cách hành động lương thiện, lạc quan, yêu đời. Sau đây là một số minh họa về cách phân biệt giữa “Tiêu cực, ít tương lai” và “Tích cực, có hậu vận tốt”:

Tiêu cực: Trời đất mù mịt, khó chịu quá. Tích cực: Ồ, trời đang mưa mát quá, nông dân lại có nước tưới ruộng rồi.

Tiêu cực: Hắn chẳng còn mặt mũi nào gọi cho tôi. Tích cực: Hôm nay chắc anh ấy bận nên chưa gọi cho em.

Tiêu cực: Nó cho tôi leo cây. Tích cực: Tôi có đến chỗ hẹn, còn cô ấy không thấy đến.

Tiêu cực: Con Lan chắc ế rồi. Tích cực: Lan hình như quá kén chọn.

Tiêu cực: Cái ngữ ấy sao mở mày mở mặt được. Tích cực: Anh ấy là một người lương thiện, tốt bụng.

Tiêu cực: Ông cụ ấy lẫn rồi hay sao ấy. Tích cực: Ước gì mình có nhiều kinh nghiệm sống như cụ thì thích biết bao.

Tiêu cực: Bà ấy bị như thế thật đáng quả báo. Tích cực: Tội nghiệp bà ấy, thật không may...

Từ cuối năm 2019 đến nay, gần như toàn thể các quốc gia trên hành tinh chúng ta đã trải qua đại dịch Covid-19. Có những lúc, hàng ngàn người mắc bệnh, hàng trăm người chết trong một ngày ở một quốc gia. Xã hội bấn loạn, đảo lộn sinh hoạt, thay đổi mọi thói quen hàng ngày. Đây là điều khủng khiếp nhất về mặt tâm lý xã hội học, vì “thói quen là bản năng thứ hai của con người” như xác minh của nhiều bộ môn Triết học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kèm theo rối loạn về tinh thần như thế, số nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở thương mại, kinh doanh, du lịch, phục vụ... phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, vì cách ly, vì phòng chống dịch đã kéo theo kinh tế suy sụp nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Số người thất nghiệp tăng lên. Những công cuộc cứu trợ nhân đạo đã phải thiết lập và triển khai để đối phó với tình hình mới. Thế rồi, Liên Hiệp Quốc đã đứng ra chủ trì các viện trợ nhân đạo về vaccine, về các trang thiết bị y tế như máy thở, máy tim phổi nhân tạo, bình oxy... Tổ chức Y tế thế giới đã nhóm họp liên tục để thúc đẩy các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới phát minh ra nhiều loại vaccine rất có hiệu quả, nhiều loại thuốc đặc trị để chữa Covid-19 bước đầu đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Đến quý 4 năm 2021 tình hình đã đổi khác. Thế giới đã phải thay đổi sách lược, chiến lược về phòng chống và sống chung với Covid-19. Nhờ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp, con người nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh. Trên truyền hình ta được thấy nhiều sân vận động ở các nước đã đầy ắp hàng ngàn cổ động viên trong các trận đá bóng tranh giải châu lục và thế giới. Nhiều nước đã mở cửa hàng không, mở cửa du lịch với Thẻ xanh vaccine, Thẻ xanh xét nghiệm, tạo nên một không khí phục hồi dần dần cho đời sống bình thường của con người. Con người với sức sống dẻo dai, với kinh nghiệm sống hàng ngàn năm và với sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc đã chứng minh rằng: không có vấn đề gì là không thể giải quyết.

Để khép lại bài viết về “Cuộc sống tươi đẹp”, không gì hơn là nhắc đến lời dạy thấu tình đạt lý của triết gia Henri Conscience khi ông viết: “Chính trong lò lửa rực cháy mà sắt được tôi luyện thành thép, chính trong vất vả gian lao khổ hạnh mà con người mới phát hiện ra được sức mạnh của mình”. Chính cái sức mạnh ấy mới đủ nghị lực, đủ bản lĩnh để giành lấy “Cuộc sống tươi đẹp”. Chính cái sức mạnh ấy đã biến mỗi cá nhân bé nhỏ thành một tập thể mạnh mẽ để giành lấy “Cuộc sống tươi đẹp”.

Trần Hữu Thăng