Nôn nao nhớ xà cừ

Hoa Nguyễn 08/11/2021 10:00

Xà cừ đến với xứ nhiệt đới gió mùa này và trụ lại không ồn ã như những loài cây khác, vì nhiều lý do mà xà cừ còn có tên gọi khác là “lim”.

Trẻ con rất hay dùng tên gọi này, có thể chúng theo nhau không biết rằng cây “lim” trong nhóm đinh lim sến táu rất khác. Dần dà, lớn lên cũng lại theo nhau, gọi đúng tên xà cừ.

Xà cừ khi non bấy mới được trồng thế nào thật ít người biết, chỉ đến khi trở thành cổ thụ thì mới được để ý. Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều xà cừ, có lẽ vì sự chắc khỏe, hiền hậu của dáng hình và không có những mùa hoa thơm ngát mà xà cừ chỉ việc xanh và tỏa bóng không được tao nhân, mặc khách nói đến nhiều như hoa sữa, hoa phượng, hay bằng lăng hoặc sưa...

Xà cừ xanh quanh năm, trăm lá như một, tán xòe rợp mát. Hoa xà cừ nhỏ, xanh vàng bé xíu lẫn trong lá chẳng mấy người để ý, ngay cả khi nó đã kết thành quả, đậu tít trên cao. Xà cừ bám rễ sâu bền bỉ qua năm tháng, cho đến khi những u xà cừ khiến gốc, thân dị dạng có khi người ta mới nhận ra và nói đến tuổi tác của hàng cây. Và cho đến giờ cũng nhiều người không nhận ra sự khác biệt của xà cừ với những loài cây khác là xà cừ thay lá vào độ cuối xuân, để mùa thu phố Hà Nội hay những ngả đường có xà cừ vẫn xanh om khiến thu nơi ấy có phần bớt ảm đạm, cô liêu.

Xà cừ thay lá đúng độ học trò thi, chia tay nhau về nghỉ hè, chia tay nhau vì chuyển khối, ra trường nên khá nôn nao. Trong nắng hè gắt gao, phượng nở đỏ cháy trời thì xà cừ rụng lá. Những chiếc lá rơi xuống sân trường nhanh chóng khô cong khi vẫn còn màu xanh bạc trên lá. Xà cừ nhiều lá nên gặp gió có khi trút từng đợt. Áp lực thi cử, buồn vì chia tay nhau, nhiều đám học sinh nhìn theo lá rụng mải theo đuổi những suy nghĩ của mình quên cả tiếng trống vào lớp.

Trường huyện của tôi xưa sân trường có nhiều xà cừ cổ thụ, sân trường ngày ấy chưa được lát vẫn là sân đất, còn bụi mù khi gió, còn đọng nước khi mưa. Thi thoảng có một vài quả xà cừ tách vỏ rơi xuống sân trường khiến tôi lại nhớ ngày bé vẫn thích có đứa nào trèo lên cây xà cừ bứt cho đám con gái quả này về chơi mốt. Tất nhiên ngày ấy chúng tôi vẫn gọi là quả lim. Lớp 12A của chúng tôi có một cây xà cừ rất gần, chúng tôi vẫn đứng, nhìn ra cái khoảng có trời mây, có những cánh chim rất nhỏ bay trên nền trời và nhìn vô định vào những tán lá xanh của xà cừ. Là đám con gái thôi, chứ bọn con trai nghịch như giặc thì có bao giờ để ý. Đến con gái trong lớp có áo mới rõ xinh chúng cũng không thèm biết. Ấy thế nhưng con gái lớp khác có nón mới chúng lại biết và kháo nhau. Đến lạ.

Rồi lịch thi nhích lại gần, đám học trò viết lưu bút, lại theo nhau nói về phượng, đến giờ tôi vẫn nhớ những câu thơ của một bạn trong lớp viết về “lim”. Câu đầu tôi đã quên, 3 câu sau thì nhớ:

...Quả lim nhỏ giấu mình trong kẽ lá
Sao mọi ngày không ai nhìn thấy cả
Để bây giờ lòng bỗng thấy nôn nao...

Cái nôn nao của mùa hè cuối cùng thời cắp sách theo tôi mãi. Bạn ấy theo nghề giáo, giờ vẫn làm thơ và chúng tôi gặp nhau vẫn khoe áo mới, đôi khi chọn màu tươi hơn và khúc khích cười bảo rằng “Già rồi thì phải?”.

Con đường liên huyện đưa tôi đến trường, những hàng xà cừ thường bám bụi và không xanh mướt như những tán xà cừ trong trường tôi. Những mương, đấu bên đường cũng không còn tĩnh lặng, chuồn chuồn bậu trên những cành khô đang ngâm một phần dưới nước nữa. Người ta đổ đất, bảo rằng sẽ làm đường. Những rặng điền thanh cũng xác xơ. Tôi thường lo cho đến một ngày khi con đường này được mở người ta sẽ chặt đi những cây xà cừ này, những cái cây mà các thế hệ học trò trường huyện chúng tôi thuộc từng vết sẹo trên thân cây.

Thế rồi, sau những lo lắng đương nhiên phải có của thời cắp sách, tôi đã bước qua và ra tỉnh theo học đại học. Quốc lộ dẫn ra tỉnh cũng vẫn con đường lác đác bóng xà cừ. Tôi chẳng mấy để tâm bởi những điều mới mẻ cuốn hút tôi hơn nhiều. Đường Nguyễn Trãi đẹp như mơ, tôi hòa vào dòng người sớm tối. Những ánh đèn vàng hắt ra từ những tán xà cừ yếu đuối năm nào cũng át được ánh trăng mỗi khi tuần trăng đến. Tiếng ve inh ỏi trong tán xà cừ khiến mùa hè Hà Nội nóng bức hơn. Nhưng cũng dịu mát ngay sau khi uống hết cốc trà đá trong quán cóc dưới gốc xà cừ cổ thụ.

Những nhớ quên đều không thể cố được trong trí não con người. Tôi chắc chắn thế, vì lý trí xưa này thường khó thắng được trái tim. Những cành trơ lá ma mị trên cây, đôi khi rụng xuống những cành mục cũng ma mị, nhất là những ngày trời sũng mưa. Còn vào những đêm trăng thanh, mọi sự lại khác, lá xà cừ xôn xao trong gió. Nhiều lần khi ra chỗ chuồng cọp nhà tập thể cũ ngắm xà cừ cho dứt cơn buồn ngủ tôi thường thấy chị hàng xóm xinh đẹp có anh người yêu đẹp trai hôn nhau dưới gốc cây. Tôi đụng bút viết những thứ mình thích trên đời, bạn tôi ôm tờ báo vào lòng và bảo:

- Tán xà cừ này là dưới sân nhà nàng đấy. Tôi thích cái tên “Chớm đêm” này. Chị Nguyệt hàng xóm và anh Nam người yêu chị ấy đúng không?

- Quá đúng luôn - Tôi trả lời.

Chúng tôi đã thật say sưa đi qua thời sinh viên và thường nói những chuyện kiểu đó cho đến tận bây giờ. Khi bản thảo truyện ngắn ấy đã thất lạc, tờ báo in năm đó cũng chưa có cơ hội tìm lại. Cây xà cừ và đám xà cừ năm đó vẫn còn, vẫn to lớn, xanh tốt, chắc hẳn vẫn rụng xuống gốc những cành khô ma mị bất kể mùa nào. Chúng tôi cũng không còn trẻ nữa. Mấy lần giận nhau, đến giờ vẫn chưa liên lạc lại. Đấy, tôi nói rồi chẳng mấy khi lý trí thắng được cảm xúc và bản thân tự nuông chiều cảm xúc. Đàn bà trung niên khó tính với nhau hơn xưa nhiều thì phải.

Tôi nhớ những con đường liên huyện, liên xã rợp bóng xà cừ. Mỗi bận đi qua vẫn thường dừng lại. Có lẽ vì công việc, lại sẵn sàng thiết bị quay phim, chụp ảnh mà chúng tôi vẫn thường ghi lại những hình ảnh đẹp và thanh bình ấy. Những u xà cừ này quý như nghiến ý, làm đồ mỹ nghệ cực đẹp. Những người thợ làm thủ công mỹ nghệ nói tôi nghe được.

Cho đến một ngày Thủ đô thực hiện kế hoạch thay cây. Xà cừ trên mấy các phố bị đốn hạ cùng một số loài cây khác, nhựa cây như máu ứa, lòng người khó yên. Cây mới sẽ được trồng, nhưng nỗi đau của người, của đất, của linh hồn cây thì còn – Tôi chắc thế, vì nó rất rõ trong tôi. Niềm tin bị tổn thương thật khó chữa lành, ngay cả khi những con phố xưa rợp bóng xà cừ những loại cây khác đã lên xanh, trổ hoa.

Ai biết lặn trong lớp vỏ xù xì kia là tháng năm, là tiếng còi nhà máy, là những ngày lá cành mải miết cùng những thanh xuân mang áo thợ bạc màu, đạp xe tất tả cả khi vào ca lẫn khi tan ca. Ai biết cánh sinh viên cuốc bộ về kí túc xá ăn cơm suất thiếu cả rau xanh chứ đừng nói là thịt. Ngay tại những con phố này, bao cấp khốn khó trong từng ngôi nhà nhỏ, từng căn phòng tập thể lắp ghép... trông ra thường chỉ thấy xà cừ. Thế mà sau khi tờ quyết định có con dấu đỏ được ban hành, xác cây chất ngất, rồi đi về đâu không rõ. Những con phố loang lổ vết thương. Người lặng im, người lên tiếng, người lại giằn mặt nhau vì chuyện chặt cây này, nhìn vào cách ứng xử là rõ tâm tính người.

Giờ đã cuối thu, sau những trận mưa bão trắng trời nay tôi thấy có xà cừ cổ thụ đổ - đã nhiều cây cũng từng bị bật gốc trong bão như thế để lại những hố sâu, những đám rễ chia chỉa, để lại thật nhiều nỗi buồn không chỉ với người quanh, người hay lui tới đó mà còn để lại nỗi buồn cho người trông thấy.
Đời cây hữu hạn như đời người. Rõ là đất ấm, giời xanh, cơ mà sau bão giông có khi vững vàng lại có khi gục ngã, cây non thì dựng lại, rễ sẽ bén, nhưng cổ thụ ắt phải về cội về lối mà những mùa lá đã từng bay...

Căn nhà tôi nhìn xuống những hàng xà cừ xanh mướt, tôi vẫn nhìn vào tán lá khi thì reo vui, khi bị gió thốc, có khi ngả màu gặp cơn gió là trút xuống không ngừng... Tôi nghĩ đến tháng năm, phận người, nghĩ đến hành trình của mình đã từng và sẽ đến, đành rằng chẳng tránh được bão giông, nhưng tôi luôn ước an hòa sẽ trở lại. Cây vẫn một năm hai lần thay lá, người vẫn háo hức chọn màu áo mới khi mùa sang, thế là đủ...

Hoa Nguyễn