Kế toán trưởng ép nhà thầu ‘trích’ 30-40% giá trị hợp đồng

Hoàng Việt 09/11/2021 06:50

Trước toà, cựu kế toán trưởng Công ty cổ phần Sông Đà 6 thừa nhận việc sẽ gây khó khăn khi nghiệm thu, không cho hai thuộc cấp thanh toán nếu nhà thầu không trích lại 30-40% giá trị hợp đồng.

Ép nhà thầu chi hoa hồng

Cuối tháng 10 vừa qua, Toà án nhân dân TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử ba bị cáo Lê Văn Sinh (41 tuổi, cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần Sông Đà 6), Phạm Thị Thuý Hà (42 tuổi, cựu thủ quỹ) và Nguyễn Văn Quang (cựu kế toán, 29 tuổi) cùng về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ”.

Theo cáo buộc, từ tháng 8/2015 đến tháng 4/2016, Công ty cổ phần Sông Đà 6, ký 5 hợp đồng kinh tế tổng trị giá 19,6 tỷ đồng với Công ty TNHH xây dựng và thương mại Nam Tín, do ông B.N.S. làm Giám đốc.

Theo đó, Công ty Nam Tín có trách nhiệm hoàn thiện một số hạng mục sơn Epoxy tại Công trình thuỷ điện Huội Quảng, xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội xác định, lúc này, tình hình tài chính của Công ty cổ phần Sông Đà 6 gặp khó khăn, quỹ sử dụng đối ngoại, tiếp khách không đủ. Ông Sinh nảy sinh ý định thu 30- 40% trên số tiền được tạm ứng, thanh toán của Công ty Nam Tín, đồng thời đe doạ “nộp tiền sẽ được thanh toán nhanh, nếu không sẽ gây khó khăn khi nghiệm thu và việc thanh toán sẽ bị chậm”.

Ông S. ban đầu không đồng ý do số tiền yêu cầu nộp lại quá nhiều. Và kết quả, sau 3 lần gặp, tiền tạm ứng và thanh toán hợp đồng cho công ty của ông S. không được kế toán trưởng Sinh duyệt.

Công ty Nam Tín lúc này đã tập kết hết vật liệu, máy móc và đang thi công dang dở, nếu không thi công nữa sẽ bị chậm tiến độ và phạt theo hợp đồng. Ông S. thuận theo yêu cầu của ông Sinh.

Ông Sinh lên mạng tìm bảng giá nhân công, vật liệu rồi tự áp vào khối lượng công việc tại 5 hợp đồng Sông Đà 6 ký với Nam Tín. Theo chỉ đạo của Sinh, kế toán Quang lập bảng tính toán chênh lệch, tạm tính lãi để lấy cơ sở buộc ông Sơn trích lại tiền.

Cơ quan công tố cáo buộc, trong thời gian từ 27/5/2016 - 17/11/2017, bị cáo Sinh 6 lần yêu cầu ông Sơn nộp tiền “bôi trơn”, lần ít nhất 275 triệu đồng, nhiều nhất là 1,5 tỷ đồng, tổng 5,43 tỷ đồng.

Các giao dịch đều được thực hiện bằng tiền mặt. Ông Sơn không trực tiếp mang tiền tới mà nhờ vợ và một nữ nhân viên khác đưa tại trụ sở Công ty Sông Đà 6. Tại đây, Sinh cũng không trực tiếp ra mặt mà cử kế toán Hà tiếp nhận và ký xác nhận.

Số tiền này chi vào mục đích chung của Công ty cổ phần Sông Đà 6 như ngoại giao, tiếp khách, thăm hỏi người ốm, hiếu hỉ... Đến tháng 7/2019, tiền đã tiêu hết. Từ đơn tố cáo của ông S., cơ quan chức năng đã bắt giữ Sinh và thuộc cấp.

Gây khó khăn nếu không trích lại 30-40% giá trị hợp đồng

“Không trích lại 30 - 40% giá trị hợp đồng, tôi sẽ bị gây khó khăn khi nghiệm thu, không cho thanh toán”, bị cáo Lê Văn Sinh khai trước Hội đồng xét xử khi bị xét hỏi.

Song bị cáo Sinh nhiều lần thề “dùng tiền vào việc chung của công ty, tuỵệt đối không xâm phạm một đồng”. “Bối cảnh tài chính của công ty khi đó rất khó khăn, tiếp khách, ma chay, hội họp cũng không có tiền, vô cùng cực khổ”, bị cáo trình bày.

Chủ toạ chất vấn: “Tổng giá trị cả 5 hợp đồng mới có 19,6 tỷ nhưng bị cáo đã yêu cầu nhà thầu nộp lại những 5,43 tỷ đồng thì làm sao doanh nghiệp kinh doanh được, tồn tại được. Họ cũng khó khăn như công ty bị cáo vậy, đúng không?”. Bị cáo Sinh gật đầu, im lặng.

Trả lời toà, bị cáo Hà và Quang cho rằng “không thể làm trái ý cấp trên”, “anh Sinh bảo gì làm nấy”. Họ không biết, không quan tâm số tiền đến từ đâu và được dùng ra sao. Song toà đã nhắc nhở hai bị cáo rằng: “Các bị cáo đều có đào tạo và hiểu luật kế toán, sao có thể nói cầm một núi tiền trong tay mà không biết và không quan tâm được?”.

Toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính không được nộp vào quỹ tiền mặt của Công ty mà bị cáo Sinh yêu cầu Hà lập sổ ngoài để theo dõi chi tiêu số tiền này. Mỗi lần cần tiền, kế toán trưởng Sinh đọc nội dung chi tiền để Hà ghi chép, theo dõi và trực tiếp xuất tiền.

Hai quyển sổ quỹ ngoài do Hà lập có nội dung ghi chép, các mục chi tiêu này không được chốt hằng tháng, cũng không được thể hiện trong bất cứ báo cáo tài chính nào của công ty.

Được triệu tập tới toà, đại diện Công ty cổ phần Sông Đà 6 cho biết không chỉ đạo, cũng không được Sinh báo cáo gì về việc thu lại của nhà thầu Nam Tín 30-40% giá trị hợp đồng.

“Mỗi người trong công ty có chức năng riêng, ông Sinh cũng là nhân viên nhiều kinh nghiệm, luôn được tin tưởng”, vị đại diện khẳng định.

Cựu Tổng giám đốc và Tổng giám đốc đương nhiệm của Công ty Sông Đà 6 cũng được cơ quan điều tra kết luận không liên quan hành vi phạm pháp của ba nhân viên này.

Bị hại S. không có mặt tại toà song tháng 8/2019, công ty của ông đã được gia đình bị cáo Sinh trả lại toàn bộ 5,43 tỷ đồng.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Sinh cho hay, năm 2014, khi về làm thủ quỹ, công ty đang thua lỗ, hơn 1.900 nhân viên không việc làm, áp lực nặng nề khiến hết sức đau lòng. Bị cáo đã trăn trở ngày đêm, nghĩ cách kiếm tiền về cho anh em.

Vì việc làm sai trái đó đã khiến ông vướng lao lý, kéo theo hai thuộc cấp cũ cùng rơi vào vòng tù tội. Bị cáo xin toà “giơ cao đánh khẽ” cho Hà và Quang trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án.

Kết thúc phiên xử (hôm 25/10), toà đã tuyên phạt bị cáo Sinh 5 năm tù giam, hai người còn lại nhận mỗi bị cáo 30 tháng tù.

Hoàng Việt