Đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới

THANH GIANG 09/11/2021 06:49

Trong khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cộng với thói quen tiêu dùng của các nước thay đổi, doanh nghiệp cần tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử. Đó là khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế.

Xu hướng mua sắm trực tuyến

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong hoạt động thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, song song với việc xuất khẩu hàng hóa qua kênh truyền thống, doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử.

Hành vi mua sắm từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến đã tăng mạnh ở nhiều thị trường trên thế giới. Đặc biệt, từ khi xảy ra dịch Covid -19 thương mại điện tử phát triển nhanh hơn. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, từ năm 2014 đến 2020 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu tăng 17 - 41% với giá trị 1.250 tỷ USD. Trong khi, các dự đoán trước đây dừng ở con số thấp hơn nhiều.

Hiểu rõ thị trường khó tính EU, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường EU nhận định, 2 năm qua xu hướng tiêu dùng của thị trường EU có những thay đổi đáng kể. Ngại tiếp xúc vì dịch bệnh khiến người tiêu dùng tìm đến mua sắm trực tuyến.

Thống kê cho thấy, 293/447 triệu người ở EU lựa chọn mua sắm online. Sắp tới xu hướng này vẫn được duy trì nên doanh nghiệp cần tổ chức bán hàng trực tuyến xuyên biên giới.

“Trước đây doanh nghiệp thường xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử để vào thị trường Mỹ. Với thị trường EU, xuất khẩu qua kênh này được khoảng 20%, vì vậy thị phần còn rất lớn”, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết. Cũng theo đại diện Vụ Thị trường EU, hiện nay khâu xuất khẩu qua thương mại điện tử khá thuận lợi, kể cả mặt hàng nông sản tươi vẫn xuất được.

Kỳ vọng vào việc doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Vũ Chiến Thắng – Thương vụ Việt Nam ở Tây Ban Nha chia sẻ, đây là lúc doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, xu hướng tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp nên tăng xúc tiến thương mại trực tuyến, tham gia các hội chợ, triển lãm trên không gian ảo và sẵn sàng các điều kiện để cung ứng hàng hóa qua nhiều nền tảng thương mại điện tử.

Đưa hàng hóa lên sàn thương mại quốc tế

Về xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử, đại diện Công ty Phúc Hoa chuyên sản xuất hàng tiêu dùng (quận 7) cho rằng, ngoài xuất khẩu truyền thống, đơn vị này đang tìm đường để xuất khẩu thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường và tăng doanh thu bán hàng. Sau một thời gian tìm hiểu, doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu trực tuyến đầu tiên.

Một số doanh nghiệp khẳng định, chi phí thấp, sức lan tỏa rộng nên việc bán hàng trên nền tảng trực tuyến quốc tế là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt khó, không chỉ là thời điểm bùng dịch mà cả trong tương lai. Nhờ xuất khẩu trực tuyến nhiều sản phẩm Việt đã vươn ra thị trường quốc tế.

Hiện các sản phẩm ưa chuộng và bán chạy nhất của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon (Trung tâm bán lẻ trực tuyến) gồm: mây, tre, cói, lục bình, đồ dùng nhà bếp… Ở nền tảng thương mại Alibaba (Trung tâm bán sỉ trực tuyến), gồm: Thực phẩm, nước uống, đồ trang trí nhà cửa, nội thất, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, nông sản,…

“Rất nhiều sản phẩm Việt tăng trưởng 122%, 128% trên các nền tảng thương mại trực tuyến. Tôi nghĩ, sản phẩm bán lẻ của doanh nghiệp trên Amazon được thị trường Mỹ chấp nhận chắc chắn tên tuổi và hình ảnh của doanh nghiệp sẽ được thị trường toàn cầu lựa chọn”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nêu quan điểm.

Nói đến thương mại điện tử xuyên biên giới phải nhắc đến 2 người “khổng lồ” thế giới là Alibaba và Amazon. Tại Việt Nam, Amazon đã xây dựng đội ngũ để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng sang các thị trường thế giới. Theo yêu cầu, doanh nghiệp chỉ đưa hàng đến kho Amazon, đồng thời mở tài khoản trên Amazon. Những vấn đề còn lại là nhân viên Amazon thực hiện. Các sản phẩm khi đưa lên Amazon sẽ có các tiêu chuẩn khắt khe về sản xuất, chất lượng, hình ảnh sản phẩm…

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, dù xuất khẩu truyền thống hay qua kênh thương mại điện tử đều phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã, xuất xứ,... Hàng xuất khẩu phải được chuẩn bị từ khâu nguyên liệu, sản xuất, đến đóng gói bao bì, vận chuyển lên tàu, máy bay, sang các nước.

Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam đưa ra mục tiêu, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử bền vững đến 2025. Cụ thể, cán cân thương mại điện tử ở hai thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội lớn chiếm 50%, còn lại 50% thuộc các tỉnh - thành khác.

THANH GIANG