Covid-19 trước nguy cơ bùng phát

Đức Trân - Minh Quang 09/11/2021 06:54

Những ngày qua, dịch Covid-19 có thêm những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Số ca mắc có chiều hướng tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Cà Mau… Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất cao nếu chúng ta không chuẩn bị đầy đủ và ứng phó quyết liệt.

Gia tăng số ca mắc mới

Số liệu từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, trong 10 ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên phạm vi toàn quốc có chiều hướng tăng nhanh. Chỉ trong các ngày 6 - 7/11, Hê thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.646 ca nhiễm mới, so với 10 ngày trước đó, số ca mắc mới trong 24 giờ tăng hơn 2.000 ca (ngày 1/11 ghi nhận 5.613 ca mắc mới Covid-19).

Tại nhiều địa phương cũng ghi nhận số ca mắc tăng trong cộng đồng, bên cạnh đó là những ổ dịch phức tạp. Đơn cử, trong ngày 7/11, toàn tỉnh Tây Ninh có 434 ca mắc mới, tăng 128 ca so với ngày 6/11, chủ yếu là qua xét nghiệm sàng lọc với 367 ca.

Còn tại Hà Nội, trong những ngày gần đây, thành phố này cũng ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 liên tục gia tăng, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh, ổ dịch phức tạp tại nhiều quận, huyện. Trong những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội liên tiếp phát các thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm có ca Covid-19, trong đó có nhiều địa điểm tập trung đông người như trường học, doanh nghiệp, khách sạn, chợ, nhà hàng, quán ăn...

Cùng với đó là hàng loạt ổ dịch, chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây như: Ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh); ổ dịch tại Sài Sơn (thị trấn Quốc Oai); ổ dịch tại đường Nam Dư (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai); ổ dịch liên quan chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm); ổ dịch liên quan tại đường Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình, quận Bắc Từ Liêm; ổ dịch liên quan salon tóc Mẹ Ớt trên đường Trần Quang Diệu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa).

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, tình hình số ca mắc tăng cao là điều đã được dự báo trước khi chúng ta trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận, nếu người dân không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không nâng cao ý thức thì nguy cơ dịch bùng phát là hoàn toàn có thể xảy ra.

Rất đông người dân Hà Nội xếp hàng để được trải nghiệm tàu cao tốc Cát Linh- Hà Đông. Ảnh: Quang Vinh.

Người dân còn chủ quan, lơ là

Tại Hà Nội, đáng chú ý là sự kiện những ngày qua, tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân. Trong hai ngày cuối tuần (6,7/11), lượng khách tham gia thử nghiệm chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông tăng; ngày thứ hai tăng nhiều lần so với ngày đầu tiên. Người dân xếp hàng dài lũ lượt, không đảm bảo giãn cách trong thời điểm Hà Nội có nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Dù rằng có đeo khẩu trang song lại không đảm bảo khoảng cách theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Bên trong toa xe, người ta đứng chen chân sát vào nhau. Nhiều người còn đem theo cả trẻ nhỏ là đối tượng chưa được tiêm phòng vaccine.

Theo thống kê sơ bộ từ Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), trong ngày 7/11, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận hành 141 lượt tàu, vận chuyển 54.121 lượt khách đi trải nghiệm, gấp đôi so với ngày đầu tiên. Như vậy, sau 2 ngày đầu đưa vào khai thác đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có xấp xỉ 80.000 lượt người dân lên tàu.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, trước khi vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông, Công ty đã xây dựng phương án phòng chống dịch theo yêu cầu như khử khuẩn, quét mã QR đối với khách đi/đến, khuyến cáo 5K và gửi Sở Y tế Hà Nội. Nếu trong trường hợp khách đông quá, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì sẽ tạm thời đóng cửa nhà ga.

Trước băn khoăn về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở những nơi tập trung đông người như nhà ga tàu Cát Linh - Hà Đông, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khi được tiêm vaccine người bệnh thường ít có triệu chứng nên rất khó xác định những người dương tính với SARS-CoV-2. Chính vì vậy, việc tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết. Những người thường xuyên đến nơi tập trung đông người phải tuân thủ việc khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ bản thân. Đặc biệt tuân thủ việc quét mã QR khi đến các ga tàu đường sắt đô thị.

Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một số khu vực như Công viên Lênin – phố Điện Biên Phủ, Hà Nội vào tối 7/11, có hàng trăm người tụ tập bao gồm người già và trẻ nhỏ. Phần nhiều trong số này là các bậc phụ huynh đưa con tới chơi trò chơi, bên cạnh đó là các nhóm thanh niên vận động thể dục, thể thao cùng bộ phận người lớn tuổi luyện tập khiêu vũ. Trong số này, những người nghiêm túc đeo khẩu trang chiếm một số lượng rất nhỏ. Đa phần họ không đeo khẩu trang, hoặc đeo khẩu trang không đúng quy định và không thực hiện việc giãn cách.

Siết công tác phòng, chống dịch

Trao đổi về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát…

Theo bà Hà, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường quản lý giám sát và lấy mẫu người về từ các địa phương khác và yêu cầu thực hiện nghiêm việc tự giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao; Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân đi từ vùng dịch về chủ động khai báo y tế, phát huy tinh thần trách nhiệm chống dịch; hướng dẫn thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới…

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Người dân cần tự giác bảo vệ sức khỏe

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đều biết, cần xác định rõ là sống chung an toàn với Covid-19. Các nước trên thế giới cũng đều gặp tình trạng như nước ta, đó là số ca mắc mới tăng sau khi bỏ giãn cách. Do vậy, tình hình như hiện nay là vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát. Bên cạnh đó, tỷ lệ người đã tiêm vaccine tăng cao thì số ca mắc tăng như người bị nặng và số người tử vong sẽ giảm. Nếu nhìn vào số ca tử vong, số ca phải điều trị trong bệnh viện, chúng ta sẽ thấy dịch đang ổn định. Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tăng tốc bao phủ vaccine, ưu tiên tiêm vaccine đối với người có bệnh nền và người cao tuổi.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các phương pháp điều trị, ví dụ như thuốc điều trị Covid-19, và nâng cao, sẵn sàng hệ thống điều trị, huấn luyện, tăng cường kỹ năng điều trị cho lực lượng y tế tại các cơ sở y tế. Theo tôi, việc cách ly tập trung là không còn phù hợp trong tình hình hiện nay. F0 không có triệu chứng thì không cần thiết đi cách ly tập trung, hoàn toàn có thể tự cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đương nhiên, về phía người dân, chúng ta cần hiểu rõ, sức khỏe là của chính bản thân mỗi người, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19 để bảo vệ sức khỏe chính bản thân và gia đình của mình. Tại sao vàng bạc thì ai cũng tự có ý thức cất giấu, tự bảo vệ mà sức khỏe còn quý hơn vàng thì vẫn có bộ phận người dân không có ý thức tự bảo vệ?

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hà Nội: Cần có biện pháp xử phạt thích đáng

Hầu hết các tỉnh thành của nước ta đều có ổ dịch, bởi vậy khi được nới lỏng việc đi lại thì dịch lây lan là điều đã được dự đoán. Với ca mắc mới như hiện nay so với tỷ lệ bao phủ của vaccine, người dân không cần hoang mang. Tuy nhiên, số ca tăng trong những ngày qua cũng là một điều cảnh báo đối với tình trạng buông lỏng kiểm soát thực hành phòng chống dịch của người dân và chính quyền.

Thực tế, người dân tụ tập vui chơi, ăn uống rất nhiều trong khi chính quyền cơ sở không tăng cường kiểm tra giám sát. Bởi thế, dịch có thể tiếp tục lan rộng. Có thể nói ở thời điểm hiện tại, các biện pháp phòng chống dịch đều đã được tuyên truyền tới tất cả người dân, nhưng chúng ta buông lỏng. Bởi vậy, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp này, đồng thời cần có những biện pháp xử phạt thích đáng đối với những trường hợp vi phạm. Tôi tin rằng nếu chúng ta điều chỉnh được tốt những biện pháp này, hoàn toàn có thể chung sống với Covid-19.

Đ. Trân (ghi)

Đức Trân - Minh Quang