Hà Nội: Phụ huynh hồi hộp sau ngày học sinh đi học trở lại

Nguyễn Hoài 09/11/2021 11:01

Mong chờ rồi lại hồi hộp theo dõi tình hình học sinh đến trường có an toàn hay không là diễn biến tâm lý của phụ huynh sau ngày đầu các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì mở cửa trở lại.

Sau ngày đầu tiên 29 trường học thuộc huyện Ba Vì đón học sinh lớp 9 đi học trở lại, thành phố Hà Nội sẽ dần mở rộng việc cho học sinh đến trường. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, việc mở cửa trường học phải thận trọng, từng bước bảo đảm an toàn cho học sinh.

An toàn mới mở cửa trường học

Theo đúng kế hoạch, hơn 3.900 học sinh khối lớp 9 của các trường THCS, phổ thông cơ sở thuộc huyện Ba Vì đã trở lại trường học tập sau một thời gian khá dài học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 8/11. Đây là huyện duy nhất tại Hà Nội được phép cho học sinh đi học trực tiếp trong khi 29 quận, huyện, thị xã còn lại học sinh vẫn tiếp tục học trực tuyến.

Qua buổi học đầu tiên, ghi nhận chung, học sinh rất háo hức, phấn khởi được trở lại trường. Phòng GDĐT huyện Ba Vì đã chỉ đạo các nhà trường tuyệt đối không được chủ quan, luôn đặt công tác phòng, chống dịch lên hàng đầu để có thể duy trì việc tổ chức dạy học trực tiếp lâu dài.

Trường THCS Đông Quang thực hiện vệ sinh, khử khuẩn để đón học sinh.

Phòng GDĐT cũng yêu cầu, trong những ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, các trường tập trung ôn tập lại kiến thức học trực tuyến, sau đó kết hợp dạy chương trình mới và củng cố kiến thức, hỗ trợ thêm cho học sinh chưa nắm được bài.

Trường THCS Đông Quang có hai lớp 9 với 59 học sinh. Nhà trường bố trí một lớp học ở tầng 1, một lớp học tầng 2. Học sinh chỉ học một buổi sáng trong ngày. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Nguyễn Thành Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Quang cho biết, để đón học sinh trở lại trường, trước đó, nhà trường đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh lớp 9 trong trường về việc cho con đến trường học trực tiếp. Qua khảo sát, 100% phụ huynh các em có nguyện vọng cho con được đi học trở lại.

Cũng theo ông Hưng, các khối lớp khác tuy học sinh chưa được đi học nhưng tất cả phụ huynh cũng có ý kiến mong muốn con sớm được đến trường học trực tiếp. Bởi ở đây, 100% học sinh hiện đã có thiết bị học trực tuyến nhưng có tới 70% em học bằng điện thoại rất khó khăn. Đối với học sinh chưa được đến trường, nhà trường đã làm cam kết với phụ huynh lưu ý, bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình học tập ở nhà, hạn chế cho con tiếp xúc với những người ngoài gia đình.

Con học ở nhà trong khi bố mẹ đi làm, không thể quản lý con trực tiếp nên việc trường học mở cửa là mong mỏi của nhiều phụ huynh. Sau ngày đầu tiên trường học mở cửa, anh Vũ Văn Cảnh, phụ huynh học sinh Vũ Văn Hưng, lớp 9A Trường THCS Đông Quang chia sẻ, anh cảm thấy nhẹ nhõm và yên tâm hơn khi con đã được đến trường.

Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến kiểm tra hoạt động dạy học của Trường THCS Đông Quang trong ngày đầu học sinh đi học.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, không phải phụ huynh nào cũng đồng tình với việc cho con đến trường học trực tiếp. Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GDĐT huyện Ba Vì cho biết, theo khảo sát của các trường tính đến ngày 7/11, có 3% phụ huynh học sinh lớp 9 trên địa bàn huyện không đồng ý cho con học đến trường học trực tiếp.

Ông Oanh cho biết, những học sinh lớp 9 chưa muốn đến trường được bố trí dạy trực tuyến. Việc đăng ký học trực tiếp sẽ theo tinh thần tự nguyện. Các trường sẽ tiếp tục thống kê số lượng đăng ký học trực tuyến hay trực tiếp để có phương án cụ thể.

Mong chờ rồi lại hồi hộp theo dõi tình hình học sinh đến trường có an toàn hay không là diễn biến tâm lý của phụ huynh sau ngày đầu thành phố cho một số trường học mở cửa trở lại. Chị Nguyễn Thanh Tâm (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) cho biết, những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận nhiều ca F0 trong cộng đồng nên thay vì chờ đợi ngày con được đến trường thì nay chị Tâm chỉ muốn con tiếp tục học trực tiếp ở nhà để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hương (quận Đống Đa) cho rằng, việc học sinh huyện Ba Vì được đi học trở lại là tin vui của toàn thành phố. Hôm qua, chị Hương liên tục cập nhật thông tin ngày đầu tiên trỏ lại trường của học sinh Ba Vì trên các phương tiện truyền thông. Chị Hương bày tỏ: "Đối với các địa phương khác, thành phố nên thận trọng khi đưa ra phương án mở cửa trường học vì thời điểm này số ca mắc Covid-19 trong công đồng liên tục tăng. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn, trẻ em sớm được tiêm vaccine để bảo đảm an toàn khi trở lại trường học".

Nhiều địa phương điều chỉnh kế hoạch cho học sinh trở lại trường

Diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã thay đổi, số ca mắc trong những ngày gần đây tăng gấp nhiều lần, vì vậy thành phố đã có sự điều chỉnh kế hoạch cho học sinh đến trường học trực tiếp để bảo vệ an toàn sức khỏe cho học sinh.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Thành ủy, UBND thành phố đều đã thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học. Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo, nhưng cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em.

Học sinh Trường THCS Đông Quang tại lớp học.

Báo cáo của Bộ GDĐT cho thấy, hiện cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Nhiều địa phương đã có kế hoạch mở cửa trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ ngày 15/11.

Cùng với đó, các địa phương đã tăng cường tổ chức tiêm vaccine phòng dịch cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục. Một số tỉnh, thành phố cũng đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở một số địa phương. Do đó, một số tỉnh, thành phố có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch. Thậm chí, một số trường học phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý học sinh.

Tại hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục do Bộ Y tế và Bộ GDĐT phối hợp tổ chức chiều 8/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cần thống nhất an toàn thì mới đi học, khi đã đi học, phải bảo đảm an toàn. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị, Sở Y tế, Sở GDĐT các địa phương phải phối hợp rà soát, yêu cầu tất cả trường học các cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch hiện nay để thích ứng an toàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Về vấn đề tiêm vaccin cho trẻ em, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay vaccine về có hạn, từng đợt nên phải tính toán ưu tiên đối tượng nào tiêm trước, tiêm sau. Cùng với đó, các địa phương phải tập trung thống kê, rà soát tất cả trẻ em, không để bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh thấy được lợi ích của việc tiêm vaccine, đồng tình đưa trẻ em đi tiêm để tăng độ bao phủ vaccine.

Nguyễn Hoài