Hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, vậy lỗi do ai?
Câu hỏi trên đã được ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đặt ra trước Quốc hội.
Ngày 9/11/2021, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch vừa qua tại TP Hồ Chí Minh làm hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người tử vong. “Nếu không có sự hỗ trợ giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, MTTQ, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương còn nặng nề đến mức nào nữa”-bà Châu khẳng định.
Thay mặt nhân dân TP Hồ Chí Minh, bà Châu xin cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, chí tình, chí nghĩa vừa qua để giúp người dân TP Hồ Chí Minh vượt qua cơn đại dịch.
Tuy nhiên, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn khi trong báo cáo phòng chống dịch, báo cáo của Chính phủ năm 2021, phần giải pháp để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ lại “chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức, vai trò của mỗi bộ, ngành, đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình chứ không phải “khó thì về địa phương; còn dễ, đúng quy định thì Trung ương làm”.
Bà Châu cho rằng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “chống dịch như chống giặc”, nhưng không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó, nhất là trong trường hợp địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp “nước sôi, lửa bỏng” như phòng chống dịch.
“Cụ thể có một lô hàng với hơn 22 nghìn lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. MTTQ TP Hồ Chí Minh đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục thú y. Cục Thú y trong 2 ngày trả lời đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm lại nói “đề nghị TP Hồ Chí Minh hỏi Chính phủ”. Thành phố gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời", bà Châu dẫn chứng và đặt ra vấn đề: Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?.
Từ thực tế trên, bà Châu nhìn nhận cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Và nếu như không có gì thay đổi đánh giá hàng năm thì cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vậy là làm tròn chức trách nhiệm vụ. Còn ở tại TP Hồ Chí Minh thì lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, vậy lỗi do ai?.
Chính vì vậy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ kiến tạo phải tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết, không cần phải nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy, có lợi tốt nhất cho người dân.
“Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như thế này", bà Châu nêu rõ.