Quảng Nam: Nỗi lo sạt lở bờ sông Thu Bồn
Nhiều hộ dân xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đang rất lo lắng về tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đe dọa đến nhà cửa, đất vườn của họ.
Hằng năm vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân Quế Trung sinh sống dọc ven sông Thu Bồn lại bất an, lo lắng nhà cửa, đất vườn bị sạt lở cuốn trôi ra sông.
Ngôi nhà cấp 4 của anh Tăng Văn Cư (36 tuổi), trú thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung nằm gần bờ sông Thu Bồn đã xuống cấp, nhưng anh Cư không dám sửa lại ngôi nhà vì sợ mưa lớn nước sông dâng cao chảy xiết gây sạt lở sập đổ nhà mình. Anh Cư nói: “Mấy năm trước, ngôi nhà tôi cách bờ sông hàng chục mét, tuy nhiên qua mỗi mùa mưa bão, đất vườn của tôi bị sạt lở xuống sông gần hết. Hiện tại ngôi nhà của tôi đối diện nguy cơ sạt lở xuống sông vào mùa mưa bão năm nay”.
Cách đó không xa, ngôi nhà của bà Tăng Thị Tín (60 tuổi), trú thôn Trung Phước 2 cũng đang đối diện với nỗi lo sạt lở xuống sông. Bà Tín cho biết: “Khu vực này có 5 nhà dân đều thuộc diện khó khăn, hộ già yếu và hay đau ốm, bệnh tật, thế mà còn nơm nớp lo lắng sạt lở bờ sông vào mùa mưa. Chúng tôi đã trồng tre và lấy bao cát chắn ven bờ sông Thu Bồn để giữ đất. Tuy nhiên, cũng không có hiệu quả gì, năm ngoái nước sông dâng cao đã cuốn trôi 2 bụi tre của gia đình tôi trồng xuống dòng sông”.
Bà Tín còn cho biết, người dân ở đây rất lo lắng nhưng chưa có điều kiện đến nơi ở mới. Cũng đã nghe nói đến việc Nhà nước có chủ trương di dời bà con ở đây nhưng vẫn chưa thấy triển khai. Vì vậy, bà con rất mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ mặt bằng bố trí tái định cư, hỗ trợ vay vốn để cho họ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Ông Tăng Thoại là lão làng ở đây tâm sự, 77 tuổi rồi bao nhiêu năm ông đã trăn trở với nỗi lo sạt lở sông, mất đất mất nhà. Như mưa lũ cuối năm 2020 và mưa lớn vào cuối tháng 8/2021 đã làm nhiều diện tích đất của người dân sinh sống dọc ven sông Thu Bồn, đoạn chảy qua thôn Trung Phước 1 và Trung Phước 2 bị sạt lở xuống sông đã tạo thành bờ vực cao 3 đến 4 m. Theo ông, với tình hình này, chỉ vài năm nữa nguy cơ nhiều ngôi nhà dân gần bờ sông Thu Bồn có thể bị đổ sụp nếu không có biện pháp ngăn chặn.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở ven bờ sông Thu Bồn là dòng chảy xiết và những năm qua xuất hiện nhiều đợt mưa lũ lớn bất thường. Để hạn chế tình trạng sạt lở, tôi cùng một số người đã cùng nhau đem tre ra trồng để giữ đất. Thế nhưng tình trạng xói lở vẫn diễn ra trầm trọng”, ông Thoại nói.
Qua quan sát của chúng tôi, dọc ven bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua thôn Trung Phước 1 và Trung Phước 2 có nhiều điểm sạt lở gần sát nhà dân, bờ sông ăn sâu vào các bụi tre gần nhà. Trước tình trạng này, một số hộ dân đã trồng tre và bao cát chắn ngang điểm sạt lở để giữ đất, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông Đỗ Trường Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 điểm bị sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân. Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông người dân đã trồng tre giữ đất, còn về lâu dài các vị trí sạt lở phải kè bê tông cốt thép, tuy nhiên kinh phí quá lớn, chính quyền xã không thể nào đáp ứng được. Về vấn đề này, chính quyền xã đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để có biện pháp khắc phục.
“Còn 5 hộ dân thôn Trung Phước 2, trước đó chính quyền xã Quế Trung đã xác định một vài vị trí di dời, nhưng vẫn chưa đủ yếu tố thuận lợi cho người dân sinh sống. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị huyện khảo sát, tìm vị trí phù hợp hơn, áp dụng cơ chế mới để hỗ trợ bà con ổn định đời sống”, ông Thương thông tin.
Về tình trạng này, ông Trần Thiện Thắng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết: “Về tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa bàn địa phương, chúng tôi đã đi kiểm tra, khảo sát và đánh giá mức độ sạt lở tại các vị trí này rồi, trước mắt yêu cầu người dân sinh dọc ven sông trồng tre giữ đất. Tôi cũng đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để xin nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam hoặc Trung ương để xây dựng bờ kè cứng dọc khu dân cư này hoặc bố trí khu tái định mới cho bà con”.