Lo lắng cho một mùa cúc họa mi
Dù đang vào thời điểm cúc họa mi bắt đầu nở rộ, tuy nhiên những người dân trồng hoa tại làng hoa Nhật Tân (quận Tây Hồ) vẫn không khỏi lo lắng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động buôn bán, kinh doanh.
Bán buôn ế ẩm
Cứ tầm tháng 10, tháng 11 hàng năm, những bó cúc họa mi lại ngập tràn trên các đường phố của Hà Nội báo hiệu mùa đông về. Cũng vào khoảng thời gian này, người trồng cúc họa mi tại làng hoa Nhật Tân lại hào hứng với một mùa thu hoạch “hái ra tiền”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người trồng hoa năm nay rơi vào cảnh buôn bán ế ẩm, khó khăn.
Anh Huy, chủ một vườn hoa tại Nhật Tân cho biết, những năm gần đây cúc họa mi được nhiều người chuộng nên anh quyết định mở rộng diện tích lên 10 sào, vừa cung cấp hoa, vừa cho khách tham quan chụp ảnh.
“Trung bình mỗi sào hoa, trừ chi phí chăm sóc thì cũng lãi khoảng 40 triệu đồng. Bên cạnh đó có dịch vụ vào tham quan chụp ảnh, giá 40 nghìn đồng một người cũng thu về không ít. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh như vậy nên gia đình tôi quyết định trồng ít đi, lấy đất trồng thêm đào quất”, anh Huy cho hay.
Để có những vườn cúc họa mi trắng xinh, người trồng hoa phải mất hơn 5 tháng gieo trồng và chăm sóc. Vào chính vụ, cúc họa mi nở rộ và đẹp nhất trong vòng 2 – 3 tuần. Chính vì vậy, giá thành loại hoa này luôn cao hơn nhiều loại cúc khác nhưng vẫn được rất nhiều người mua săn đón.
Tuy nhiên, dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lượng mua của người dân. Theo chị Lan, người trồng loại cúc này nhiều năm tại Nhật Tân, hoa chủ yếu trồng theo hai hình thức là tách luống riêng và xen canh với đào chưa ra nụ để tiết kiệm diện tích. Trước đây, cúc họa mi mọc dại nhiều, nhưng giờ đưa vào trồng nên chăm kĩ hơn để hoa cho bông to, cây cao vừa tầm.
Thông thường bắt đầu đến tháng 11 là nhiều lái buôn đã đến tận vườn hỏi mua, cúc họa mi được trồng tại Hà Nội cũng không nhiều nên bán rất chạy.
“Nhưng năm nay thì chậm đi hẳn. Giá hoa cũng phải bán thấp hơn so với mọi năm. Đấy là còn chưa kể việc bán lẻ hoa năm nay cũng ế ẩm trông thấy”, chị Lan chia sẻ.
Trung bình, giá mỗi bó hoa đầu vụ giao động từ 80.000 – 120.000 đồng. Sau khi thu mua, cúc họa mi được vận chuyển về chợ hoa đầu mối Quảng Bá hoặc theo những gánh hàng rong ruổi vào phố.
Hoa đầu vụ giá tương đối cao nhưng khách rất thích, bó nhỏ có giá 100.000 đồng, bó to 150.000 đồng. Sáng sớm chị vào tận vườn mới mua được vài bó, cúc họa mi năm nay bông to, nở đều và sớm hơn năm ngoái, chị Huyền chủ sạp hoa cho biết.
Vắng vẻ khách đến tham quan
Không chỉ việc buồn bán trở nên khó khăn, nhiều vườn hoa tại Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh vắng khách những ngày cúc họa mi vào vụ. Theo đó, mặc dù Hà Nội đã cho phép các hoạt động này được trở lại bình thường, tuy nhiên do tâm lí e dè nên lượng người tham quan, chụp ảnh giảm đi rõ rệt.
Ghi nhận của PV tại Vườn hoa Bãi đá sông Hồng, chỉ có lác đác từng tốp nhỏ từ 2-5 người đến đây chụp ảnh, vui chơi. Đại diện chủ vườn hoa cũng thông tin: “Lượng khách đến vườn hoa bãi đá sông Hồng giảm đi rõ rệt so với mọi năm dù cúc họa mi đang vào chính vụ. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ tiếp các đoàn khách dưới 30 người, không dám để khách vào ồ ạt như mọi năm vì dịch còn phức tạp”.
Cũng theo chủ vườn hoa này, mọi năm khách đến vườn rất tấp nập, náo nhiệt do cúc họa mi chỉ nở theo mùa. Người đến tham quan, chụp ảnh còn phải chen chúc nhau để tìm góc chụp đẹp. Những ngày cuối tuần có đến hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, không khí náo nhiệt như mùa lễ hội.
Cũng trong tình trạng vắng vẻ tương tự, chủ vườn Phương Linh (ngõ 264 Âu Cơ, Tây Hồ) cho biết, năm nay dù nhà vườn đã thay đổi nhiều tiểu cảnh nhằm thu hút khách đến tham quan nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện do người dân còn lo ngại dịch bệnh và tập trung đông người.
Chị Nguyễn Thị Huệ (Cầu Giấy), du khách chụp ảnh tại đây cũng cho biết, dù năm nào cũng chụp ảnh cùng cúc họa mi nhưng chưa bao giờ thấy cảnh vắng vẻ như năm nay dù chất lượng hoa không hề thua kém.
“Năm nay còn thấy hoa đẹp hơn năm ngoái, nhiều nơi cũng chịu đầu tư hơn để có chỗ chụp đẹp nhưng khách đến thì ít đi nhiều”, chị Huệ đánh giá.