'Ông lớn' bán lẻ: Kẻ thu lãi từ bán thức ăn chăn nuôi, người đi buôn xe đạp

Minh Thư 16/11/2021 16:13

Để thích ứng với những biến động về kinh tế- xã hội do dịch Covid-19 gây ra cũng như thói quen, hành vi của người tiêu dùng, nhiều ông lớn bán lẻ đã có những kế hoạch chuyển mình linh hoạt như mở sang lĩnh vực mới hay cơ cấu lại các mảng kinh doanh để phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển.

Do tác động của dịch bệnh, nhiều cửa hàng và các nhà bán lẻ lớn phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có không ít các ngành hàng hoạt động tốt với lượng khách hàng khả quan do nhu cầu trong mùa dịch tăng cao. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn có xu hướng mở rộng.

Trước những thay đổi về thói quen, hành vi của người tiêu dùng, không ít ông lớn bán lẻ đã có những kế hoạch chuyển mình linh hoạt để phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều ông lớn bán lẻ đã có những kế hoạch chuyển mình linh hoạt để phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Thế Giới Di Động mở bán xe đạp

Theo báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MCK: MWG, sàn HoSE), tính đến cuối tháng 9/2021, nhà bán lẻ này đã có 43 cửa hàng bán xe đạp trên toàn quốc. Trên thực tế, cuối tháng 10, số lượng cửa hàng bán xe đạp của Thế Giới Di Động đã tăng lên 58, trong đó phát triển mạnh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế Giới Di Động, cho biết hệ thống dự kiến khai thác thêm 47 điểm bán trong tháng 11, đưa tổng số cửa hàng bán xe đạp trên toàn quốc lên 105, tiến sát mục tiêu 150 điểm bán vào cuối năm.

Thế Giới Di Động nhận định việc mỗi cửa hàng Điện máy Xanh tận dụng phần diện tích sân trước để kinh doanh xe đạp, dự kiến giúp tăng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng doanh thu hàng tháng khi hoạt động ổn định, mà không phát sinh chi phí vận hành đáng kể.

Quy mô thị trường này ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm và đang có xu hướng tăng khi nhu cầu vận động, nâng cao sức khỏe của người dân sau đại dịch ngày càng cao.

Bên cạnh đó, MWG cũng tận dụng lợi thế khi các nhà bán lẻ nhỏ phải rời thị trường và tạo ra khoảng trống để mở rộng mảng kinh doanh này, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tại thị trường Việt Nam, chưa hệ thống nào sở hữu hàng trăm cửa hàng bán xe đạp được đầu tư bài bản. Phần lớn đều là những cửa hàng nhỏ lẻ. Đây là lợi thế để Thế Giới Di Động tham gia và vươn lên nắm thị phần.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết, doanh nghiệp này có cơ sở để kỳ vọng xe đạp mang về doanh thu 500 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Trong buổi gặp nhà đầu tư cuối tuần này, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tiết lộ có thể ra mắt chuỗi bán lẻ thời trang và đồ thể thao vào tháng 12 này.

Theo vị CEO, Thế Giới Di Động đánh giá thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh. Đáng nói, công ty không thuê đơn vị phân tích từ bên ngoài mà tự mình quy mô, đơn vị đang dẫn đầu, rủi ro và khả năng thành công trước khi thử nghiệm.

Tương tự như chiến lược đã áp dụng với các chuỗi bán lẻ trước đó, Thế Giới Di Động cho biết sẽ mở nhanh để lấy nhanh thị phần, nhưng việc tăng số lượng cửa hàng lên đến mức độ nào thì cần thời gian vận hành và đánh giá hiệu quả mới quyết định.

FPT Retail thu nghìn tỷ từ bán thuốc

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, MCK: FRT, sàn HoSE) vừa công bố chỉ số kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với doanh thu lũy kế đạt 14.018 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Công ty đạt 137 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sau 9 tháng, Công ty đã thực hiện 85% kế hoạch doanh thu và 114% kế hoạch lợi của năm 2021.

Đáng chú ý, trong đó, doanh thu chuỗi Nhà thuốc FPT Long Châu đạt 2.529 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đà tăng một phần được hỗ trợ khi nhu cầu về thuốc tăng cao và là sản phẩm được bán xuyên suốt mùa dịch.

Về mạng lưới cửa hàng, kết thúc 9 tháng năm 2021, chuỗi Long Châu sở hữu 308 nhà thuốc, mở mới 108 nhà thuốc so với đầu năm. Chỉ tính riêng trong quý III, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, 40 nhà thuốc Long Châu mới vẫn đi vào hoạt động. Với tốc độ này, FPT Long Châu hoàn toàn tự tin sẽ chạm mốc 350 nhà thuốc vào cuối năm 2021.

Việc kinh doanh theo chuỗi đã giúp Long Châu có được lợi thế về nguồn hàng. Đồng thời, xác định đây là hướng đi chiến lược, FPT Retail đã chú trọng đầu tư toàn diện cho chuỗi Long Châu như: xây dựng hệ thống bán hàng online, giao hàng hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn; hệ thống kết nối, chăm sóc khách hàng tận tình.

Masan bán mảng thức ăn chăn nuôi cho "ông lớn" nước ngoài

Trong khi một số ông lớn bán lẻ mở rộng kinh doanh ở mảng mới thì CTCP Tập đoàn Masan (MCK: MSN) lại đi theo chiều hướng ngược lại.

Cụ thể, mới đây, Masan đã công bố hợp tác chiến lược với De Heus Việt Nam, công ty con của Royal De Heus Group (Hà Lan).

Theo đó, De Heus Việt Nam sẽ tiếp quản mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và đầu tư từ 600 - 700 triệu USD vào chuỗi cung ứng đạm động vật tại Việt Nam. Masan MEATLife (MML) sẽ tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm thịt có thương hiệu còn De Heus sẽ ưu tiên cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và chăn nuôi.

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá việc bán mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng thể hiện nỗ lực của MSN trong việc tái cơ cấu danh mục hoạt động kinh doanh để trở thành công ty tập trung 100% vào các mảng kinh doanh tiêu dùng.

Giá chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi tương đương tỉ lệ EV/EBITDA là 11,5 lần, dựa trên ước tính EBITDA năm 2021 của ban lãnh đạo.

MSN dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường 4.800-5.500 tỉ đồng từ giao dịch này. Phần lớn hoặc toàn bộ khoản lợi nhuận bất thường này nhiều khả năng sẽ được ghi nhận trong quý IV/2021.

Lotte Mart, AEON Việt Nam đầu tư cho "chợ mạng"

Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng buộc các doanh nghiệp phải đẩy nhanh lộ trình đầu tư, vận hành mảng thương mại trực tuyến, linh động hình thức bán hàng từ online đến offline để đưa đến tận tay người tiêu dùng.

Trên thực tế, động thái này không phải mới được các nhà bán lẻ áp dụng, mà đã được định hướng xây dựng từ trước đó. Tuy nhiên, chỉ đến khi dịch bệnh bùng phát, xu hướng mua hàng online tăng đột biến, mảng online mới thực sự được chú trọng, đầu tư.

Website speedl.vn của Lotte Mart Việt Nam bắt đầu tăng trưởng từ tháng 11/2018 sau 1 năm xây dựng nhưng phải đến thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng (từ tháng 3/2020 tại TP HCM và Hà Nội) mới có được sự tăng trưởng đột biến.

Xu hướng khách hàng tăng mua sắm qua mạng để hạn chế tiếp xúc trực tiếp nên rất nhiều nhóm sản phẩm tiêu thụ mạnh, bao gồm cả hàng tươi sống, sữa, mì, bánh kẹo lẫn giấy vệ sinh, giặt tẩy... Phía Lotte Mart đã phải tăng gấp đôi nhân sự cho mảng online nhưng có thời điểm vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của khách.

Không chỉ có Lotte Mart, AEON Việt Nam cũng nhanh tay ra mắt dịch vụ đi chợ hộ qua điện thoại, nhằm hỗ trợ những khách hàng chưa rành về công nghệ mua sắm trên app và website…

Các giải pháp này được cho là bước đột phá giúp doanh số bán hàng của nhà bán lẻ truyền thống được ổn định, khi kênh bán offline giảm mạnh nhưng được bù lại từ kênh online đã tăng trưởng mạnh mẽ gấp nhiều lần.

Minh Thư