Khó tái đàn, nguy cơ thiếu thịt dịp Tết
Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các địa phương phía Nam tiếp tục gặp khó về tiêu thụ, trong khi chi phí gia tăng khiến không ít gia đình rơi nợ nần. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái đàn và có thể nguồn cung sẽ thiếu hụt vào những tháng cuối năm.
Chi phí tăng, giá bán thấp
Lo sợ dịch tả lợn châu Phi tái phát, ông Bùi Văn Duyên, hộ chăn nuôi lợn ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã tập trung đầu tư chuồng trại chuyển sang nuôi lợn chuồng lạnh để đảm bảo an toàn, giúp đàn lợn phát triển tốt hơn so với nuôi chuồng hở trước đây.
Hiện tại, trại chăn nuôi của ông Duyên có 30 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Ông Duyên cũng định tăng đàn nái lên 50 con tương ứng với 400 con lợn thịt để tận dụng công suất thiết kế của chuồng lạnh và tăng hiệu quả kinh tế hơn.
Thế nhưng, nhiều tháng nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giá lợn hơi lại phập phù khiến ông chưa dám tăng đàn. Bình quân giá thức ăn cám theo từng lứa tuổi của lợn tăng khoảng 40.000 đồng mỗi bao 25 kg, nếu chủ trại mua cám ký nợ của đại lý sẽ đội giá thêm 10.000 đồng mỗi bao. “Giá thức ăn chăn nuôi đợt này lên cao, nếu kẹt vốn phải đi mua cám nợ thì người nuôi khó mà có lãi” - ông Duyên nói.
Ghi nhận giá lợn hơi vào ngày 9/11 đang tiếp tục đi xuống ở các tỉnh, thành phía Nam. Như tại Đồng Nai giá lợn hơi hiện còn 49.000 đ/kg. Còn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì dao động 45.000 - 48.000/kg. Theo tính toán của các chuyên gia ngành chăn nuôi, do giá thức ăn tăng cao, lại chiếm khoảng 60 - 65% giá thành chăn nuôi, nên giá lợn hơi phải đạt 80.000 đồng/kg thì người nuôi mới đảm bảo được thu nhập.
Trong khi đó, lĩnh vực gia cầm cũng rơi vào tình trạng ảm đạm không kém. Tính đến 8/11, các tỉnh Nam bộ còn tồn khoảng 8 triệu con gà lông trắng đang chờ được tiêu thụ dù cho giá bán hiện đã tăng hơn gấp 3 so với thời điểm thấp kỷ lục trước đó (từ mức 5.000 đồng/kg lên 17.000/kg). Nhiều loại chi phí đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất 1kg gà thịt đội lên gần 30.000 đồng/kg. Với giá bán ra hiện nay, người chăn nuôi gia cầm đang lỗ hơn 40.000 đồng với mỗi con gà lông trắng xuất chuồng. Chính vì vậy, nhiều trại nuôi gà công nghiệp thua lỗ nặng, dẫn đến ngừng chăn nuôi hoặc giảm khoảng 30% tổng đàn so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại tỉnh Bình Dương, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm gà công nghiệp lông trắng vẫn đang gặp khó với khoảng 2 triệu con, các sản phẩm trứng cũng đang tồn đọng lớn với số lượng mỗi ngày tồn vài triệu quả trứng gà và gần 1 triệu quả trứng cút.
Giải pháp nào để không bỏ chuồng trại?
Trước khó khăn chung của chăn nuôi gia cầm lẫn chăn nuôi lợn, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam, việc tìm lối đi cho chăn nuôi nông hộ để có thể “sống chung” với đại dịch trong thời gian tới lại được đặt ra. Trong các tình huống được Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đưa ra gần đây giữa bối cảnh tác động của đại dịch, thì tình huống nặng nhất là nếu dịch Covid-19 kéo dài sau Tết Nguyên đán thì tình hình sẽ rất khó khăn.
Nhiều người cho rằng, cần triển khai thêm chính sách hỗ trợ để giảm thiểu tổn thương, giúp chăn nuôi nông hộ trụ được trong giai đoạn đầy thử thách này. Đặc biệt là nên sớm có chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả của chăn nuôi nông hộ trong 5 năm tới, như hỗ trợ trong việc dự báo thị trường, hỗ trợ tiêu thụ, dự trữ sản phẩm chăn nuôi. Cạnh đó cũng nên hỗ trợ cấp vốn giúp các hộ chăn nuôi duy trì ổn định chuỗi sản xuất, đầu tư vào việc tái đàn. Nhất là cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, cũng như đẩy mạnh cho vay mới với lãi suất ưu đãi.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, người chăn nuôi nên duy trì quy mô đàn và tái đàn. Bởi lẽ thời gian tới sẽ thiếu hụt các sản phẩm chăn nuôi khi bước vào dịp cuối năm. Cụ thể là từ tháng 11/2021 sẽ bắt đầu có dấu hiệu thiếu, nhất là các sản phẩm có chu kỳ sản xuất dài như lợn thịt. Ông Dương cũng khuyên người chăn nuôi khắc phục khó khăn, vì nếu “bỏ cuộc” thì họ sẽ thiệt đơn thiệt kép.
“Chúng ta phải giữ được cơ số đàn giống ở mức độ an toàn tối thiểu, các vật tư tối thiểu, để khi có cơ hội đến thì quay trở lại tái đàn” - ông Dương nói.
Tính đến 8/11, các tỉnh Nam bộ còn tồn khoảng 8 triệu con gà lông trắng đang chờ được tiêu thụ dù cho giá bán hiện đã tăng hơn gấp 3 so với thời điểm thấp kỷ lục trước đó (từ mức 5.000 đồng/kg lên 17.000/kg). Mặc dù giá đã tăng nhưng theo tính toán của các hộ chăn nuôi, nhiều loại chi phí đầu vào tăng cao nên người chăn nuôi đang lỗ hơn 40.000 đồng với mỗi con gà lông trắng xuất chuồng.