Mỹ dỡ bỏ hạn chế đi lại: Tiếp sức cho người dân và ngành hàng không
Việc Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với một danh sách dài các quốc gia bao gồm Mexico, Canada và hầu hết khu vực châu Âu đã tạo tiền đề cho các cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc, đồng thời tạo động lực cho ngành hàng không và du lịch hồi phục.
Những cuộc đoàn tụ xúc động
Những người vợ sẽ được ôm chồng sau nhiều tháng xa cách. Ông, bà sẽ được thủ thỉ với những đứa cháu đã cao lớn rất nhiều kể từ lần cuối họ nhìn thấy chúng. Cô, dì, chú, bác và anh chị em họ hàng sẽ được ôm ấp những đứa trẻ mà họ chưa từng gặp mặt…
“Tôi sẽ sà vào vòng tay của anh ấy, được chạm vào anh ấy. Chỉ nghĩ về điều đó thôi cũng khiến tôi xúc động”, cô Gaye Camara, 40 tuổi, nói về chồng mình, người mà cô đã phải xa cách hàng năm trời kể từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.
Các quy định mới có hiệu lực vào ngày 8/11 cho phép nối lại đường hàng không với hàng loạt quốc gia đã bị hạn chế kể từ những ngày đầu của đại dịch, miễn là khách du lịch có bằng chứng đã tiêm phòng và xét nghiệm âm tính với Covid-19. Những người đi qua biên giới đất liền từ Mexico hoặc Canada sẽ được yêu cầu bằng chứng đã tiêm phòng nhưng không cần xét nghiệm.
Khi Camara nhìn thấy chồng mình, anh Mamadou lần gần nhất vào tháng 1/2020, họ không thể ngờ rằng sẽ phải đợi 21 tháng mới được gặp nhau lần nữa. Cô Camara sống và làm việc ở vùng Alsace của Pháp, còn anh Mamadou có trụ sở làm việc tại New York, Mỹ. Các cuộc gọi điện video, tin nhắn, cuộc trò chuyện điện thoại giúp họ kết nối với nhau - nhưng không thể lấp đầy khoảng trống chia cắt.
Một trường hợp khác, bà Maria Giribet đã không gặp hai đứa cháu song sinh Gabriel và David trong gần 2 năm. Bây giờ 2 cậu bé đã hơn 3 tuổi, chúng đang ở San Francisco, nơi trong thời kỳ cao điểm của đại dịch cũng có thể là một “hành tinh khác” so với nơi bà Giribet sống, đảo Majorca ở Địa Trung Hải.
“Tôi sẽ ôm chúng thật chặt vào lòng, đó là điều tôi mơ ước”, bà Giribet nói sau khi làm thủ tục bay. Trong khi đó, với Martine Kerherve, việc xa cách những người thân yêu ở Mỹ là một nỗi lo lắng về việc họ có thể không sống sót sau đại dịch đã giết chết hơn 5 triệu người trên toàn thế giới.
Kerherve, người đang đến Fort Lauderdale, Florida, từ Paris, cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ rằng có thể chết trước khi được gặp lại nhau. Tất cả chúng tôi đều trải qua giai đoạn trầm cảm, lo lắng”.
Sự thay đổi này cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến biên giới Mỹ với Mexico và Canada, nơi du lịch qua lại là một phong cách sống cho đến khi đại dịch bùng phát và Mỹ đóng cửa các hoạt động du lịch không cần thiết.
Các trung tâm thương mại, nhà hàng và cửa hàng trên phố thuộc các thị trấn biên giới của Mỹ đã bị tàn phá vì thiếu du khách đến từ Mexico. Ở biên giới với Canada, các trận đấu khúc côn cầu xuyên biên giới vốn là truyền thống của cộng đồng đã không được diễn ra. Các nhà thờ có thành viên ở cả hai bên biên giới đang hy vọng chào đón những giáo dân mà họ đã không gặp trong gần hai năm qua.
Cơ hội mới nhưng không dễ dàng
Các máy bay đã băng qua Bắc Đại Tây Dương về phía Mỹ vào ngày 8/11, đây là một lợi ích cho các hãng hàng không sau 19 tháng bị hạn chế du lịch, nhưng chỉ điều đó sẽ không đủ đối với các hãng vận tải có lợi nhuận phụ thuộc vào việc lấp đầy những chỗ ngồi đắt tiền nhất. Dấu hỏi vẫn còn về tốc độ và mức độ thu hồi ngân sách của ngành du lịch thế giới, bởi sau một thời gian đại dịch diễn ra đã cho thấy, thói quen họp trực tuyến là một giải pháp thay thế khả thi cho việc phải di chuyển, đi lại.
Hầu hết các chuyên gia tin rằng, doanh nghiệp du lịch sẽ làm tụt hậu sự phục hồi của du lịch giải trí. Theo một cuộc khảo sát của Deloitte với 150 nhà quản lý du lịch, chi tiêu của Mỹ cho các chuyến du lịch của công ty dự kiến sẽ chỉ đạt mức 25% –35% quý 4 năm 2021 và 65% –80% một năm sau đó. Trong khi đó, một công ty nằm trong danh sách FTSE 100 của Anh cho biết, họ có kế hoạch giảm 2/3 thời gian đi lại cho các cuộc họp nội bộ và 1/3 thời gian cho các cuộc họp bên ngoài.
Điều đó có nghĩa là việc khởi động lại kế hoạch bay xuyên Đại Tây Dương có thể không sinh lợi như các hãng hàng không mong đợi. Các hãng vận tải có trụ sở tại châu Âu có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào doanh thu đi lại xuyên Đại Tây Dương so với các đối thủ cạnh tranh của họ ở Mỹ.
Theo ước tính của nhà phân tích Bernstein, trước đại dịch, các tuyến đường này chiếm hơn 26% doanh thu của IAG, công ty mẹ của British Airways và hơn 24% doanh thu của Lufthansa của Đức so với 11% - 17% doanh thu hành khách tại các hãng hàng không Mỹ như: American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines và 16% của Air France-KLM.
Một phân tích đưa ra ví dụ cho thấy, tại IAG, các chuyến bay hạng nhất, hạng thương gia và hạng phổ thông cao cấp chiếm hơn một nửa lợi nhuận mà hãng kiếm được từ các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương.
Các hãng hàng không sẽ tìm kiếm khách du lịch giải trí để lấp đầy khoảng trống mà các doanh nghiệp để lại, với hy vọng, sau nhiều tháng thắt chặt túi tiền, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Trong khi đó, theo ông Willie Walsh, cựu giám đốc điều hành của IAG, người hiện đứng đầu cơ quan hàng không toàn cầu IATA, tầm quan trọng của việc đi lại của công ty đối với các hãng hàng không thường bị phóng đại quá mức.
"Mọi người đều mặc định rằng, những người đi du lịch trong khoang hạng sang là đi công tác. Sự thực không phải vậy", ông Walsh nói trong một sự kiện ngành gần đây.
Ông Anthony Diamandakis, đồng Giám đốc toàn cầu của Citi Asset Managers, cho biết: “Chúng tôi đang kinh doanh bằng mối quan hệ và việc đi du lịch là cần thiết để gặp gỡ khách hàng, để giành được giao dịch. Theo kinh nghiệm của tôi về Mỹ, các giao dịch được thực hiện trực tiếp, bắt tay và nhìn vào mắt nhau”.