Đẩy mạnh trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn

Lan Hương 10/11/2021 13:30

Theo Bộ LĐTB&XH, tính riêng giai đoạn 2016-2020, Nhà nước đã dành khoảng 18.000 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có nhiều nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học.

Cụ thể, theo Bộ LĐTB&XH, hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đó, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật (NKT).

Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 425 cơ sở.

Trong số này, có 73 cơ sở chăm sóc NKT (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học) và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt, mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những NKT.

Theo thống kê, cả nước có 7 bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng cho NKT, nạn nhân bom mìn thuộc ngành LĐTB&XH quản lý, đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ, Ninh Bình, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh; 2 Trung tâm PHCN cho NKT, nạn nhân bom mìn Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật Thụy An, Trung tâm PHCN và trợ giúp trẻ khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh; 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập. Có 4 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt, đào tạo giáo viên trình độ cử nhân và cao đẳng sư phạm tật học.

Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở TGXH đã giúp 1,1 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học có cơ hội đến trường.

Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội ngoài chăm sóc và phục hồi chức năng đã kết hợp các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cho NKT bao gồm cả nạn nhân bom mìn tại một số địa phương. Đó là: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ LĐTB&XH đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung vào 5 mục tiêu cụ thể với 6 hoạt động chính, trong đó có hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn. Đặc biệt ở những địa phương trong điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế. Mô hình tập trung vào hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chật… để giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, vật liệu tổ chức lao động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất kinh doanh.

Lan Hương