Hà Tĩnh xây dựng nông thôn mới giữa vòng xoáy đại dịch: Đồng bào Công giáo tích cực xây dựng nông thôn mới
Đại hội đại biểu lần thứ XIX tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Nghị quyết 04/NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh được xem như “kim chỉ nam” trong công cuộc xây dựng NTM. Vì vậy, 2021 năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết 04, giữa vòng xoáy đại dịch Covid-19, Hà Tĩnh vẫn duy trì và có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công cuộc cách mạng không có điểm dừng này.
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đó là người dân vừa là khách thể hưởng lợi, vừa là chủ thể trung tâm phong trào xây dựng NTM. Xây dựng NTM chỉ có điểm đầu mà không có điểm kết thúc. Với quan điểm đó, mọi tầng lớp nhân dân ở địa phương này luôn nỗ lực làm mới trong xây dựng NTM. Đặc biệt, giữa đại dịch Covid-19, đồng bào có đạo ở Hà Tĩnh luôn đồng hành trong công cuộc xây dựng NTM.
“Lách” dịch để xây dựng NTM
Hà Tĩnh có 575/1.925 khu dân cư, 131/216 xã, phường, thị trấn có đồng bào có đạo sinh sống, trong đó 71 thôn giáo toàn tòng. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” do MTTQ phát động, để ứng phó với dịch bệnh, mỗi khu dân cư, cụm, tổ dân cư được chia nhỏ để làm những phần việc của mình.
Điển hình là tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), nơi đồng bào Công giáo chiếm 60% dân số toàn xã. Từ đầu năm 2021 đến nay, Thạch Hạ chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19, cán bộ xã có người dương tính với virus SARS-CoV-2, toàn bộ trụ sở bị phong tỏa. Để vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu vào cuối năm xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, các phong trào, phần việc được chú trọng triển khai.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Hóa chia sẻ: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xã bị tác động trực tiếp nên phong trào xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Để phòng tránh dịch, địa phương không phát động xây dựng NTM rầm rộ toàn dân mà chia ra từng tổ, đội nhỏ. Mỗi tổ, đội lao động theo từng riêng lẻ, không tập trung quá đông người. Với cách làm này, phong trào xây dựng NTM của đồng bào có đạo đạt được những kết quả khả quan.
Từ đầu năm đến nay, bà con giáo dân xã Thạch Hạ đã tham gia hơn 1.000 ngày công để xây dựng đường giao thông, mương thoát nước, lát vỉa hè ... trị giá khoảng 200 triệu đồng. Bà con giáo dân toàn xã đã phá dỡ 410 m hàng rào xây để mở rộng đường giao thông, trồng dắm 600 m hàng rào xanh, 295 gốc hoa giấy và hoa leo hàng rào, trồng mới 1.248 cây xanh trên các tuyến đường, nạo vét 470 mét kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Hoàn thành 380 m đường ngõ xóm; lát 700 m2 vỉa hè trên các tuyến trục thôn...
Đặc biệt, thôn Minh Yên (thôn giáo toàn tòng) mở được 3 tuyến đường mới có độ dài 800 m (rộng 7 m). Trong đó, có 4 hộ hiến hơn 500 m2 đất ở (Võ Thị Chắt, Võ Tá Huy, Lê Huy Tài, Lê Thị Lý) để làm đường giao thông.
Gữa lúc dịch giã bủa vây, Thạch Hạ xác định, thời điểm này thích hợp để đẩy mạnh xây dựng vườn mẫu, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Vì thế, Thạch Hạ tăng cường vận động bà con giáo dân tích cực làm mới, làm đẹp nhà mình, vườn mình, khu dân cư nơi bà con sinh sống.
Nhà nhà làm vườn mẫu, người người xây dựng khu dân cư kiểu mẫu mà không bị dịch Covid-19 “chi phối”. Nhờ vậy, chỉ sau khoảng thời gian ngắn, tất cả các khu dân cư ở Thạch Hạ đề đổi thay kỳ diệu. Diện mạo của xã ven đô trở nên đáng sống hơn, xanh - sạch - đẹp hơn. Sự vào cuộc tích cực của đồng bào Công giáo trở thành động lực giúp Thạch Hạ đến gần hơn với mục tiêu xã NTM kiểu mẫu.
Sống phúc âm
Không chỉ đồng bào Công giáo xứ An Nhiên ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh tích cực xây dựng NTM mà cộng đồng giáo dân ở Hà Tĩnh đều chung tay trong việc đưa Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc sống.
Theo bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng NTM. Bà con luôn tâm niệm “sống phúc âm”, “tốt đời, đẹp đạo”, bởi vậy, những chủ trương, chính sách do cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đưa ra đều được bà con tin tưởng, làm theo. “Nhiều giáo dân là tấm gương làm ăn giỏi, trở thành những doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương”, bà Hà nhấn mạnh.
Ở mỗi vùng, mỗi xứ, bà con giáo dân luôn tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng và có cách làm giàu riêng. Như ở các xứ, họ tại các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, gia trại để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch… Cùng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản quy mô, cho thu nhập từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha/năm.
Trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thương mại, phát triển nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, với các mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, du lịch, mở xưởng cơ khí, xây dựng, các doanh nghiệp có doanh thu đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm...có sự góp mặt rất đông của bà con giáo dân.
Đặc biệt, công tác xuất khẩu lao động tăng về số lượng và chất lượng, hiện nay có hàng chục ngàn lao động là con em giáo dân đang làm việc tại nhiều nước trên thế giới, hàng năm đã gửi về hàng trăm tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo cuộc sống và xây dựng quê hương, xây dựng NTM.
Các giáo xứ, giáo họ đã tự nguyện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, liên thôn, liên xã, thủy lợi nội đồng, quy hoạch nghĩa trang. Nhiều giáo xứ, giáo họ đã duy trì và thực hiện tốt việc không làm cỗ đám hiếu, không sử dụng rượu bia, thuốc lá, đám cưới không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày.
Các Hội đoàn của người Công giáo thường xuyên tổ chức đọc kinh cầu nguyện, thăm hỏi, động viên, thân ái, thực hiện nghĩa vụ đem yêu thương theo gương gia đình Thánh Gia. Nhiều giáo xứ, giáo họ có đội văn nghệ, đội trống, đội kèn, đội bóng đá, bóng chuyền tham gia giao lưu với các xứ bạn, với các chi đoàn, chi hội ở địa phương, tạo sự đoàn kết lương giáo cùng nhau xây dựng quê hương.
Trước biến cố của đại dịch Covid-19, bên cạnh việc tổ chức các sinh hoạt tôn giáo chấp hành quy định về phòng chống dịch, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Năm 2020 đã quyên góp ủng hộ hơn 1,4 tỷ đồng, năm 2021 các cơ sở tôn giáo đều tiếp tục có các hoạt động ủng hộ các chốt, các điểm cách ly phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Theo thống kê sơ bộ các tổ chức tôn giáo đã tham gia ủng hộ tiền, vật chất quy ra tiền trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.
Trên địa Hà Tĩnh đã có 82 xã có đồng bào có đạo sinh sống đạt chuẩn NTM, 136 khu dân cư vùng giáo đạt chuẩn NTM. Có 84,9% (33.602 hộ) gia đình đồng bào công giáo đạt gia đình văn hóa (năm 2017 đạt tỷ lệ 77,5%), 239 khu dân cư (86,3%) đạt chuẩn khu dân cư văn hóa (năm 2017 đạt tỷ lệ 69,3%).