Hà Tĩnh xây dựng nông thôn mới giữa vòng xoáy đại dịch: 'Lên giây cót' để đưa tỉnh Hà Tĩnh về đích NTM
Trong 10 tiêu chí xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, tiêu chí nào cũng khó và cần nguồn lực lớn. Trong lúc đó, những làn sóng dịch Covid-19 liên tục ập tới, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như công cuộc xây dựng NTM của tỉnh Hà Tĩnh.
Để hóa giải những khó khăn trên, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã “lên giây cót” cho lộ trình đầy cam go phía trước.
Linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành
Lộc Hà là một trong 4 huyện của Hà Tĩnh phấn đấu về đích NTM năm 2021. Nơi đây chịu tác động dồn dập của những làn sóng dịch Covid-19 khiến công cuộc xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mỗi người dân, Lộc Hà đang tiến dần đến đích.
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM ở Lộc Hà đó là người dân vừa là khách thể hưởng lợi từ kết quả xây dựng NTM vừa là chủ thể trung tâm trong tham gia phong trào xây dựng NTM, xây dựng NTM chỉ có điểm đầu mà không có điểm kết thúc. Công tác tuyên truyền, vận động được cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Hà quan tâm, đẩy mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Lộc Hà, huyện đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM và lấy kết quả đó làm thước đo để biểu dương, khen thưởng nhằm khích lệ, động viên, nhân rộng.
“Quá trình thực hiện các nội dung xây dựng NTM tại các địa phương, Huyện ủy đã giao Trưởng đoàn công tác của Huyện ủy tại địa phương đó chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và định kỳ hàng tuần báo cáo Thường trực Huyện ủy, Ban chỉ đạo NTM huyện. Từ đó, kịp thời chỉ ra những mặt làm được, chấn chỉnh những mặt chưa làm được, phong trào xây dựng NTM vì thế đảm bảo theo tiến độ, chất lượng đề ra”- ông Hoàn nhấn mạnh.
Tại Lộc Hà, đối với các công trình, dự án trọng điểm chỉ đạo quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thi công nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả các cuộc hội nghị triển khai, tập huấn về chương trình NTM, đấu thầu các dự án phải thực hiện trực tuyến (thay vì tập trung đông người không đảm bảo phòng, chống dịch)…
Bên cạnh đó, Lộc Hà đã nghiên cứu ban hành các chính sách, nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất liên quan các tiêu chí NTM, nhất là các xã khó khăn về ngân sách. Huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các xã vừa phòng, chống dịch nhưng không ngơi nghỉ trong xây dựng NTM. Mỗi xã có một cách làm riêng, ngay cả trong vùng phong tỏa, người dân vẫn tranh thủ cải tạo vườn, dọn dẹp vệ sinh…
Với cách làm quyết liệt và sáng tạo, đến nay huyện Lộc Hà đã cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM, hướng đến mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2021. Ngoài Lộc Hà, huyện Hương Sơn cũng dần đáp đích. Năm nay, Hà Tĩnh “được mùa” NTM khi huyện Vũ Quang và Cẩm Xuyên đã cán đích thành công. Hiện nay Hà Tĩnh đã có 8/10 huyện đạt chuẩn NTM. Đây chính là tiền đề và là một trong những tiêu chí quan trọng để tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM.
Quyết tâm đạt mục tiêu
Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Để thể hiện quyết tâm chính trị này, ngày 15/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025” - Nghị quyết 04/NQ-TU.
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Trong bộ 10 tiêu chí xây dựng thí điểm tỉnh NTM của Hà Tĩnh tiêu chí nào cũng khó, cần phải có sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp nhân dân.
“Hà Tĩnh luôn xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời kỳ, địa phương đều có sự sáng tạo và quyết tâm cao, vì thế mục tiêu Tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025 là hoàn toàn có thể thực hiện” - ông Anh nhận định.
Theo ông Phương Đình Anh, để xây dựng thành công tỉnh đạt chuẩn NTM, Hà Tĩnh cần tập trung cao vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, cần tạo được sự nhất quán trong Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh về việc thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ góp phần quan trọng để thực hiện tầm nhìn theo Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, từ đó tạo sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM thông qua thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động ”Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Theo đó, trước hết phải ưu tiên phát triển các hạ tầng trọng yếu, đảm bảo kết nối đồng bộ, hài hòa giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng khó khăn với vùng động lực phát triển, sớm hiện thực hóa mục tiêu Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của khu vực.
Thứ hai, xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn và giải quyết các vấn đề cấp thiết ở nông thôn là nội dung cốt lõi trong thực hiện mục tiêu tỉnh đạt chuẩn NTM. Với 4 trọng tâm: (1) phát triển đa dạng các loại hình kinh tế nông thôn, nhất là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, đô thị, dịch vụ, du nhập ngành nghề mới; (2) tập trung cao thực hiện Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu; phát huy hơn nữa các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó lấy doanh nghiệp, HTX làm hạt nhân; ưu tiên thúc đẩy chế biến sâu, cơ sở bảo quản, kết nối với chuỗi cung ứng, hình thành nhóm sản phẩm chủ lực theo 3 cấp độ: sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và đặc thù vùng, miền; (3) đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu, là trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn trong giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo, xác định đây là giải pháp trọng tâm để nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng NTM bền vững.
Thứ ba, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn, xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân từ công trình tập trung tối thiểu đạt 50%.
Thứ tư, ưu tiên các nguồn thu tăng ngân sách, tái đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, cân bằng sự phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững; nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) cho xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.
Thứ năm, xây dựng và ban hành bộ cơ chế, chính sách xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM theo hướng tạo động lực mạnh mẽ cho xây dựng NTM trong giai đoạn mới; hướng vào ưu tiên cho các huyện, xã, thôn chưa đạt chuẩn; tiêu chí còn nhiều khó khăn, cần nguồn lực lớn; nội dung, tiêu chí định hướng tầm nhìn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tiêu chí thiết thực nâng cao phúc lợi đối với cư dân nông thôn; tiêu chí còn thiếu bền vững; tiêu chí tạo động lực cho người dân và cộng đồng phát huy vai trò chủ thể, tự giác, chủ động trong tổ chức thực hiện.
Thứ sáu, cấp ủy, chính quyền các cấp phải có kế hoạch, phương án cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị, gắn vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để thực hiện các mô hình thí điểm có tính mới tại Hà Tĩnh.
Xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là cơ hội rất lớn đối với tỉnh, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn đối với phong trào xây dựng NTM của cả nước. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, trước hết là vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của tỉnh, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, phát huy truyền thống, cốt cách con người Hà Tĩnh, quyết tâm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.