Bộ GTVT: Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy đến năm 2030

Hoàng Chiến 10/11/2021 19:36

Ngày 10/11, Bộ GTVT đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc.

Theo đó, Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành quốc gia, do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan lập quy hoạch, Liên danh TEDI-TEDI-WECCO-CCTDI là tư vấn lập quy hoạch, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021.

Đây là Quy hoạch thứ 4/05 quy hoạch chuyên ngành GTVT và là quy hoạch thứ 4/37 Quy hoạch chuyên ngành Quốc gia được Chính phủ phê duyệt.

Quang cảnh buổi lễ công bố Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh Đ.T..

Cụ thể, quy hoạch các hành lang vận tải thủy quốc gia sẽ có 9 hành lang vận tải thủy gồm: 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển), 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) và 4 hành lang khu vực miền Nam (TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau, TP HCM - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - TP HCM và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.

Ngoài ra, quy hoạch cũng gồm 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km) gồm: miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, gồm: miền Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 8 cụm cảng, tổng công suất khoảng 9 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.

Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách, gồm: miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung có 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.

Đây là lần đầu tiên quy hoạch kết cấu hạ tầng cả 5 phương thức vận tải được thực hiện đồng bộ, làm cơ sở phân bổ phù hợp thị phần vận tải, nâng cao tính đồng bộ, kết nối các phương thức và phân bổ hợp lý nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng của ngành.

Cũng theo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa năm 2030 dự kiến khoảng 157.533 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 28.919 tỷ đồng, tập trung đầu tư cho luồng tuyến; vốn ngoài NSNN và các nguồn vốn khác khoảng 128.614 tỷ đồng, đầu tư cho cảng bến.

Hoàng Chiến