Giá xét nghiệm làm nóng nghị trường
Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong phần chất vấn, nhiều đại biểu cùng đề cập đến vấn đề “loạn” giá xét nghiệm Covid-19, trong đó đặt vấn đề có hay không việc buông lỏng quản lý giá các loại kit xét nghiệm?
Giá xét nghiệm trôi nổi?
Đặt câu hỏi về loạn giá xét nghiệm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết: Có nơi thu phí 450 nghìn đồng/lần xét nghiệm. “Vậy có lợi ích nhóm trong việc nhập bộ kit xét nghiệm hay không? Bộ trưởng cho biết tại sao có chuyện này xảy ra? Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để giá xét nghiệm trôi nổi”-ông Hòa nêu vấn đề, đồng thời gửi câu hỏi này tới Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trả lời, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Trang thiết bị y tế sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc lĩnh vực mặt hàng quản lý theo Luật Giá. Giá cả các mặt hàng cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau và giữa các nước sản xuất. Giữa trang thiết bị y tế, sinh phẩm cũng khác nhau qua các thời điểm, có những thời kỳ “cung ít, cầu nhiều” vì vậy giá thành có cao hơn.
“Ví như hồi đầu dịch năm 2020 giá khẩu trang, găng tay cũng tương tự như vậy. Giá máy thở nhiều khi khan hiếm trên thị trường cho nên bị đẩy giá lên cao và tất cả các quốc gia đều có tình trạng tranh mua các mặt hàng này. Vừa qua nhiều doanh nghiệp tham gia vào bán các mặt hàng này nên giá mới hạ”-ông Long nói.
Về giải pháp, Bộ trưởng Long cho biết: Bộ Y tế đã từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế. Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty kinh doanh sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai trên cổng của Bộ Y tế, niêm yết giá.
Bộ cũng liên tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28. Giải pháp tiếp theo là tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Giảm giá thành xét nghiệm bằng việc gộp mẫu với test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20).
Ông Long cũng khẳng định: Bộ Y tế liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm hiệu quả, tiết kiệm.
Trả lời câu hỏi về việc chậm ban hành giá xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. “Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu này” - ông Long nói.
Chưa hài lòng, đại biểu Hòa tranh luận lại và cho rằng: “Bộ Y tế đã không kiểm soát giá xét nghiệm là thiếu sót. Ví như trong một quận mà giá xét nghiệm cũng khác nhau”. Từ thực tế của mình khi xét nghiệm ở sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 440 nghìn đồng, ông Hòa cho rằng, giá như vậy thì “rất tội nghiệp cho người dân”. “Nếu Bộ đã quy định giá mới thì phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu nơi nào không thực hiện đúng quy định”-ông Hòa nhấn mạnh.
Trả lời tranh luận của đại biểu Hòa, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa khẳng định, giá xét nghiệm Covid-19 không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá và có sự chênh lệch giữa các nơi. “Đối với giá xét nghiệm, theo quy định của Bộ là thực thanh, thực chi, mặt khác đối với các đơn vị tư nhân, chúng ta không áp dụng hình thức quản lý giá, do đơn vị tự chịu trách nhiệm, nhưng phải niêm yết, công khai. Chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu, trên cơ sở cùng các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với giá xét nghiệm của đơn vị tư nhân” - Bộ trưởng Long nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trả lời của Bộ trưởng Y tế cơ bản đúng trọng tâm
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tuy lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng cũng có thời gian công tác lâu năm trong ngành Y tế, là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Đồng thời trong thời gian đảm nhận chức vụ này đã rất sâu sát trong công việc chuyên môn, trả lời tất cả các câu hỏi, các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phần trả lời cơ bản đi đúng vào các nội dung chất vấn, làm hài lòng đa số các đại biểu tham gia chất vấn.
Nhân dịp này Quốc hội một lần nữa ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương lực lượng y tế, những chiến sĩ áo trắng trong suốt gần 2 năm qua, đặc biệt là trong đợt dịch thứ tư đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại gian khổ và hy sinh, cùng với toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu, cống hiến hết mình để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Vì sao cán bộ y tế dính lao lý?
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc, từ đó đặt câu hỏi về chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là quản lý lĩnh vực.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng tiêu cực của ngành Y tế trong thời gian qua có nguyên nhân thiếu kiến thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện. Bác sĩ làm chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc đã làm quản trị tốt, vậy đã đến lúc tách bạch quản trị với quản lý chuyên môn riêng chưa?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”. Nói về nguyên nhân, ông Long cho rằng, một phần do cơ chế nhưng một phần những vi phạm này mang tính cá nhân. Bộ trưởng cũng cho biết: Bộ sẽ tiếp tục rà soát những hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm, đầu thầu, phân cấp phân quyền để ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý vi phạm theo đúng tinh thần của Trung ương.
Chưa hài lòng với phần trả lời trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) tranh luận và cho rằng giải pháp bộ trưởng nêu ra là chưa thỏa đáng. Ngay cả khi phân công cho cấp phó nhưng khi cấp phó sai, cấp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Đó là chưa kể có những việc người đứng đầu buộc phải quyết nên kiểu gì cũng phải chịu trách nhiệm.
Giải trình, Bộ trưởng Long cho biết: Theo các quy định của Đảng, thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các lĩnh vực trong đơn vị của mình, kể cả các sai phạm. Thứ hai là vấn đề trách nhiệm về kiểm tra, giám sát để tổ chức thực hiện.
“Trong tất cả các văn bản của Đảng, Nhà nước đều nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Do đó khi để các đơn vị xảy ra những vụ việc, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này. Tinh thần chỉ đạo chung là như vậy”-ông Long nêu.
Về trách nhiệm của các cơ quan, theo ông Long, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, về nhân sự thì UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm ở đơn vị y tế thuộc thành phố quản lý.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là các vụ việc xảy ra ở các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố, điều tra.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phát hiện 1 vụ cảnh tỉnh 1 vùng”, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực. “Điển hình một số vụ tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La. Qua đấu tranh hiện nay, các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sớm có kết luận để đưa các bị can ra truy tố trước pháp luật”-ông Lâm nêu rõ.
Theo ông Lâm: “Trước khi xử lý về hình sự thì đối với cơ quan điều tra, chúng tôi đều có yêu cầu phải cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong các vụ việc đó. Đồng thời, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng trục lợi thì mới xử lý”.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Sẽ tăng cường kiểm tra ngăn chặn thất thoát, tham nhũng
Giải trình liên quan đến việc quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Luật Giá 2012 xác định, giao cơ quan quản lý giá đối với giá chuyên ngành về cho ngành quản lý. Ví dụ, Nghị định của Chính phủ đã xác định trách nhiệm quản lý giá, thiết bị y tế thuộc về Bộ Y tế.
Sau nhiều sai phạm về quản lý giá thiết bị y tế, Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã bàn bạc và Bộ Y tế đã xây dựng Nghị định 98 ngày 8/11/2021, để đề nghị với Chính phủ thắt chặt lỗ hổng này. “Về vấn đề loạn giá thiết bị y tế, chúng tôi đã dự báo được tình hình và đã chỉ đạo các Tổng cục: Thuế, Hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ nâng giá”-ông Phớc nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Bộ trưởng Bộ Y tế có tinh thần cầu thị
Là người chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Theo ông Hòa, về cơ bản Bộ trưởng có tinh thần cầu thị. Bộ trưởng đã trả lời rành mạch, rõ ràng, trúng vấn đề mà đại biểu chất vấn. Về vấn đề giá xét nghiệm mỗi nơi mỗi kiểu thì ban đầu Bộ trưởng trả lời chưa rõ nhưng sau đó Bộ trưởng cũng đã giải thích rõ ràng hơn.
Sau chất vấn đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất giá xét nghiệm để công khai, minh bạch, rõ ràng hơn vì nhiều người lao động như tài xế, shiper…luôn có nhu cầu xét nghiệm. Tuy nhiên có nơi yêu cầu 24h có nơi 48h, có nơi 72h mới giá trị thì sẽ khó khăn cho người dân. Do đó Bộ Y tế cần chấn chỉnh lại vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Hiền, phường 1, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu): Giá xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác
Trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trước Quốc hội tôi thấy còn chung chung, nhất là các ý kiến xoay quanh việc giá thành của các dụng cụ vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch…
Cụ thể về vấn đề giá thành của bộ test thực tế cho thấy đang bị loạn giá, mỗi địa phương, mỗi cơ sở y tế mỗi giá khác nhau. Tại Bạc Liêu cũng có tình trạng giá xét nghiệm không thống nhất, thời gian đầu có lúc giá xét nghiệm lên tới 850 ngàn đồng/1 lần, trong khi đó một số tỉnh giáp ranh như Cà Mau, Sóc Trăng hơn 300 ngàn đồng. Sau khi báo chí thông tin giá thành cũng được giảm xuống, nhưng đến thời điểm này vẫn còn có nơi 250 ngàn/1 lần test (giá này người dân thấy vẫn còn cao – PV).
Ông Hồ Văn Thắng, phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh): Cần xử nghiêm tình trạng đầu cơ
Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu được khá tổng quát về những điều làm được và chưa được. Tuy nhiên, vấn đề “loạn” giá xét nghiệm Covid-19, hay giá bộ kit test nhanh Covid-19, Bộ trưởng trả lời còn chung chung, chưa thẳng thắn nhận trách nhiệm. Chuyện này không thể đổ cho nhiều việc được, bởi tình trạng mỗi nơi một giá đã được dư luận phản ánh rất nhiều nhưng suốt thời gian dài ngành Y tế có vẻ như “ngó lơ”. Hơn nữa, xét nghiệm Covid-19, bộ kit test Covid-19 nằm trong chuỗi quan trọng trong chiến dịch phòng, chống dịch; hầu như ngày nào cũng xét nghiệm, có nghĩa là việc này được tiếp xúc thường xuyên nên không thể đổ lỗi cho việc nhiều, khó quan tâm được.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để điều tra xem có dấu hiệu lợi dụng tình hình để đầu cơ hay lợi ích nhóm hay không? Nếu có thì phải xử lý nghiêm để tạo răn đe hiệu quả, lâu dài.
H. Vũ - Q. Trung - Q. Định (ghi)