Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường khiến nhiều dự liệu của người dân, doanh nghiệp có thể khó thành hiện thực. Kịch bản nào cho Tết 2022? Với mong muốn cùng các chuyên gia thảo luận, đưa ra các giải pháp giúp các cơ quan chức năng có thể ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh, người dân có cơ hội đón Tết đủ đầy, an toàn, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?”, 9h30 hôm nay, thứ Năm (11/11/2021).
Chống Covid, nén nỗi nhớ nhà
Đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội ở khắp nơi trên toàn thế giới. Nhiều tác động được dự báo sẽ kéo dài và nhiều thay đổi trong đời sống xã hội ngay cả khi hết dịch. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Tết năm ngoái nhiều người đã phải nén nỗi nhớ nhà, ăn Tết xa quê để phòng, chống dịch. Vậy mà chỉ còn khoảng thời gian ngắn nữa thôi, một năm mới nữa lại về, song dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Sau một năm mệt mỏi vì đối phó với dịch bệnh, không ít người đang mong mỏi được về nhà, được đón một cái Tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình.
Đã gần 1 năm nay, anh Tạ Văn Tuyến, công nhân Công ty TOTO Việt Nam (Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) chưa được về quê thăm cha mẹ. Dịch bệnh khiến cuộc sống gia đình anh Tuyến càng thêm khó khăn. Thu nhập giảm một nửa vì thế mà mọi sinh hoạt hằng ngày trên thành phố, vợ chồng anh phải chắt chiu từng đồng. Lâu lắm rồi anh Tuyến mới có chút tiền tiết kiệm để vợ chồng gửi về quê phụ cha mẹ sửa sang nhà cửa. Đưa mắt nhìn ra sân nhà trọ, anh Tuyến nói: “Tình hình dịch bệnh vẫn gia tăng như hiện nay, chúng tôi lo lắng không biết có được về quê với cha mẹ hay không?”.
Trước cái lạnh đầu đông của Hà Nội, em Lưu Thảo Trang, sinh viên năm thứ 4, Khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vội khoác thêm chiếc áo ấm mượn của một người bạn. Mắc kẹt tại Thủ đô từ sau dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Trang cũng như nhiều bạn khác trong lớp đã nhiều tháng nay chưa được về quê. Thế nên, khi tiết trời Hà Nội trở rét, em không có đủ áo ấm để mặc vì không nghĩ dịch liên tục kéo dài và diễn biến phức tạp như thế.
Trang chia sẻ, mong muốn về quê với gia đình được nhân lên nhiều lần. Nỗi nhớ nhà bây giờ không chỉ vì lâu không được gặp cha mẹ mà khi đang phải một mình trải qua cơn đại dịch trên thành phố, Trang càng thấm thía giá trị của gia đình.
Dù dịch khiến cuộc sống gia đình vợ chồng diễn viên Nguyệt Hằng - Anh Tuấn có nhiều xáo trộn nhưng năm 2021, cả hai anh chị đều có những vai diễn ấn tượng trong lòng khán giả (vai diễn bà Hoài trong bộ phim “Hãy nói lời yêu” và vai diễn Chiến trong bộ phim “Hương vị tình thân”). Diễn viên Nguyệt Hằng nói vui, dịch bệnh cũng khiến khán giả quan tâm tới phim truyền hình hơn. Dù đang bận rộn với những dự án phim mới nhưng khi nhắc đến Tết, diễn viên Nguyệt Hằng lại nôn nao, bồn chồn.
Con gái lớn của vợ chồng diễn viên Nguyệt Hằng - Anh Tuấn đang sống định cư bên Cộng hòa liên bang Đức. Đã hơn 2 năm nay, do dịch bệnh, con gái anh chị chưa được về Việt Nam đón Tết đoàn viên cùng gia đình. Xa nhà đã nhớ, nhưng xa nhà vào dịp Tết, nỗi nhớ lại càng cồn cào, da diết hơn.
“Ai cũng mong chờ có được không khí quây quần bên gia đình vào dịp Tết. Dù con có lớn, phải xa bố mẹ nhưng trong tâm trí mỗi người vẫn mong có ngày được đoàn tụ bên gia đình, được làm nũng bố mẹ, được bố mẹ chăm sóc như khi còn bé thơ. Con gái tôi, thậm chí cả vợ chồng tôi cũng thèm cảm giác ấy, đặc biệt vào dịp Tết đến, Xuân về. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết rồi nhưng con gái tôi vẫn chưa đặt vé để về nhà vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vợ chồng tôi rất buồn và nhớ con” - diễn viên Nguyệt Hằng tâm sự.
Kịch bản nào cho Tết 2022?
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam. Covid-19 sẽ còn tồn tại lâu dài, tuy nhiên có thể trở thành một bệnh đặc hữu như cúm. Nhiều dự đoán cho rằng chỉ khi tỉ lệ tiêm vaccine trên toàn thế giới đạt mức miễn dịch cộng đồng hoặc có thuốc điều trị thì Covid-19 mới trở thành một bệnh đặc hữu như cúm. Chắc chắn rằng từ giờ đến Tết 2022 sẽ chưa có dấu hiệu khả quan cho dự báo này. Dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp vì chỉ còn vài tháng nữa thôi là đến Tết.
“Đối với Việt Nam, mặc dù chúng ta đã nỗ lực tiêm vaccine cho người dân, tuy nhiên nhiều tỉnh, thành phố vẫn có tỉ lệ tiêm vaccine chưa cao. Nhiều người dân di chuyển từ nơi có tỉ lệ bùng phát dịch cao trở về… Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng từ giờ đến Tết, có thể nhiều địa phương nữa sẽ có tỉ lệ tiêm vaccine cao, chúng ta sẽ không phải giãn cách xã hội như trong thời gian vừa qua. Tất nhiên, chắc chắn chúng ta cũng không được thoải mái đi lại như khi chưa có dịch. Bên cạnh đó, một số địa phương tình hình dịch còn phức tạp rất có thể vẫn sẽ phải ăn Tết trong khu vực phong tỏa” - ông Phu cho biết đồng thời nhấn mạnh trên nguyên tắc bình thường mới, tùy theo tình hình của từng địa phương sẽ có những quy định khác nhau, đặc biệt phải thực hiện theo đúng hướng dẫn trong Nghị quyết 128 của Chính phủ. Căn cứ vào đó để có những quy định cụ thể, linh hoạt, không cứng nhắc vừa đảm bảo cho người dân vừa đón Tết vui vẻ, vừa an toàn trong tình hình dịch bệnh.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, kịch bản tốt nhất cho Tết 2022 là duy trì được tình trạng kiểm soát dịch bệnh như hiện nay. Ông Hùng khẳng định, việc mở cửa để thực hiện bình thường mới thì chuyện các ca F0 tăng lên trong cộng đồng không có gì là bất thường, tất cả đều nằm trong dự đoán. Tuy nhiên, vẫn phải nghĩ đến trường hợp xấu hơn là các ca nhiễm sẽ còn gia tăng hơn nữa nếu buông lỏng quản lý và thực hiện không nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch đã đưa ra trước đó như 5K, tụ tập đông người…
Trong tình hình hiện nay, nếu các ca F0 vẫn tiếp tục gia tăng cũng không quá lo ngại bởi theo kế hoạch của Bộ Y tế cũng như Chính phủ, từ giờ đến hết tháng 12, những đối tượng trên 18 tuổi hầu hết sẽ đều được phủ 2 mũi vaccine, khi đó tỉ lệ vaccine tính cả trẻ em cũng đạt đến 80%. Ngoài ra, qua thực tế, những người đã tiêm đủ vaccine khi nhiễm bệnh đều có các triệu chứng nhẹ hơn nên nguy cơ quá tải ngành y tế cũng giảm đi nhiều.
“Tết 2022 sẽ vẫn phải sống chung với dịch, tuy nhiên nếu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch tốt như hiện nay thì khả năng cao chúng ta sẽ không phải ăn Tết trong các khu cách ly” - ông Hùng nhấn mạnh.
Đề xuất các giải pháp chuẩn bị cho Tết 2022 an toàn, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho hay, ngay từ bây giờ, ngoài việc phủ vaccine và nỗ lực của ngành y tế trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, chính quyền địa phương trong các biện pháp hạn chế tụ tập đông người…, chính người dân cần ý thức rõ ràng rằng “Covid ở quanh ta”, bởi vậy các biện pháp phòng ngừa cá nhân phải đặt lên hàng đầu, chấp hành nghiêm chỉnh.
Ngoài ra, những đối tượng vì lý do sức khỏe chưa được tiêm vaccine hoặc những người tuổi cao, có bệnh nền…, cần hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là những nơi đông người.
Chủ các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, công ty, xí nghiệp… cũng cần lưu tâm đến việc phòng, chống dịch trong tình hình mới, nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình đến sự an toàn của người lao động, đặt dưới sự giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trước dịch bệnh. Bởi vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý theo đúng quy định lại càng cần tăng cường hơn nữa. Những trường hợp làm sai, làm trái quy định cần phải xử lý thật nghiêm, không để tái diễn tình trạng làm sai mà chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm cho qua.
Trao đổi thêm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng đề nghị các địa phương triển khai triệt để việc điều trị cách ly tại nhà thay vì cách ly tập trung như trước đây. “Cách ly tại nhà mới thực sự là sống chung với Covid. Điều này không chỉ tránh được tâm lý chủ quan trong cộng đồng mà còn giảm tải được cho ngành y tế, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc cùng chung tay vào cuộc chiến chống Covid”.
Tọa đàm trực tuyến “Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?
Với mong muốn cùng các chuyên gia thảo luận, đưa ra các giải pháp khoa học, đồng bộ giúp các cơ quan chức năng có thể ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh, người dân có cơ hội đón một cái Tết đủ đầy, an toàn, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?”.
Chủ trì: Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết.
Dẫn chương trình: Nhà báo Anh Tú, Nghệ sĩ Quỳnh kool.
Khách mời tham gia chương trình:
- Chuyên gia Kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội;
- Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương;
- Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, nguyên Uỷ viên Uỷ ban tư pháp Quốc hội;
- Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Toạ đàm trực tuyến “Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?” diễn ra vào lúc 9h30 ngày thứ Năm (11/11/2021), được truyền hình trực tiếp trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn) và fanpage của Báo trên Facebook.
Quý độc giả có thể đặt câu hỏi cho các khách mời qua địa chỉ email: bbtdko@gmail.com.
Trân trọng!