Hiến tạng - vượt rào cản tâm linh
Tỷ lệ hiến tạng của nước ta còn rất thấp, bởi những quan niệm về mặt tâm linh. Bên cạnh đó, những vướng mắc về mặt cơ chế cũng là một trong những lý do khiến nguồn tạng ghép khan hiếm.
Nhiều kỳ tích ghép tạng
Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương, năm 2020, bệnh nhân N.X.T. (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) đã trải qua ca đại phẫu ghép một lúc 2 lá phổi. Đến nay, tròn 1 năm kể từ khi được phẫu thuật ghép phổi, người bệnh đã hoàn toàn khoẻ mạnh, chất lượng cuộc sống đã khác xưa rất nhiều, người bệnh không chỉ hạnh phúc trong từng hơi thở mà còn có thể tự tin trong những hoạt động hàng ngày giống như bao người khác.
Các bác sĩ cho hay, với trường hợp vừa kể trên, hiện nay lá phổi của người bệnh đã trở lại 80-90% như bình thường, không có tình trạng khó thở, không ho, sốt; không có hạn chế hoạt động thể lực, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Được biết, kết quả này tương đương với kết quả của một bệnh nhân được thực hiện tại Mỹ.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương khẳng định, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng, thành công của ca ghép phổi này cho thấy Việt Nam đã tiếp cận được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực này.
Không chỉ trong ghép phổi, trong hàng nghìn ca ghép tạng đã được nước ta thực hiện, đã có nhiều thành tựu đáng kể phải kể đến như BV Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công 5 ca ghép gan chỉ trong vòng 1 tuần để cứu sống những bệnh nhân xơ gan mất bù, suy gan cấp. Hay những ca ghép tạng thành công tại các BV Việt Đức, BV Quân y 103, BV Chợ Rẫy…
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, cả nước có 6.113 ca ghép tạng. Dù lĩnh vực ghép tạng ở nước ta có xuất phát điểm chậm hơn các quốc gia khác nhiều năm, nhưng chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định.
Cho đi là còn mãi
Cùng với những thành tựu trong y học ở lĩnh vực ghép tạng, càng ngày, những câu chuyện đẹp về nghĩa cử hiến tạng càng nhiều thêm. Chị Phạm Thị H. (Tam Điệp, Ninh Bình), người phụ nữ 50 tuổi làm nghề buôn bán chia sẻ khi nhận được thẻ đăng ký hiến mô/ tạng: “Qua báo chí, tôi mới biết tạng của một người khi chết còn có thể cứu được nhiều người khác. Như vậy thì mang đi thiêu phí quá. Tôi nghĩ, nếu mình chết mà vẫn còn cống hiến được cho đời thì tội gì không làm, các cụ nói rồi mà, cứu một người hơn xây tháp 7 tầng”.
Một trường hợp khác, chồng vừa tai nạn cách đây không lâu và trước đó anh đã đăng ký hiến toàn bộ thân thể cho y học. Vợ anh - chị P chia sẻ: “Trước khi mất, anh nhà tôi nói với tôi là anh ấy muốn đăng ký hiến xác vì anh ấy nghe đài thấy người ta nói về chuyện hiến xác, hiến tạng sau khi chết sẽ cứu được những người khác. Anh ấy muốn làm việc có ý nghĩa nếu chẳng may qua đời. Thực lòng lúc mới nghe, tôi cũng hoang mang chẳng hiểu thế nào. Tôi đã bao giờ được nghe ai nói về chuyện như thế đâu nên không đồng tình. Nhưng anh bảo là chết rồi thì còn gì nữa, giúp được ai thì giúp chứ. Nghe anh ấy nói nhiều lần thì tôi cũng thấy chồng nói có lý nên đồng ý để anh đi đăng ký hiến”.
Hiến tạng để cứu người
Cho đi là còn mãi, những nghĩa cử cao đẹp như đã kể trên đang ngày một nhiều thêm với sự quan tâm hơn của người dân. Nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn là rất ít. Theo các số liệu thống kê từ BV Quân y 108, nước ta hiện có hơn 10.000 người suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế.
Tại một số BV lớn, trung bình một ngày có hai đến bốn người bệnh bị chết não, thậm chí có ngày nhiều hơn vì chấn thương sọ não và đột quỵ, nhưng rất ít trường hợp tự nguyện hiến được mô, tạng.
Thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ cần 1% trong số người chết đó đăng ký hiến tạng thì có thể cứu sống được hàng ngàn người khác. Bởi 1 người chết não có thể hiến được toàn bộ nội tạng và có thể cứu được 8 người khác. Trên thế giới, có đến 90% số tạng được lấy từ người chết não, còn ở Việt Nam thì ngược lại - có đến 90% tạng được lấy từ người hiến sống.
Lý giải rõ hơn về nghịch lý này, GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết, để thực hiện thành công ca ghép tạng cần có 4 yếu tố: Chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép.
Tuy nhiên thực tế, khâu người hiến tặng mô, tạng đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng, nhiều người vẫn không bỏ qua được suy nghĩ lạc hậu.
“Việc người cho chết não hiến tạng quá ít có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, rào cản đến từ quy định của pháp luật có không ít. Đơn cử như luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng lại vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sĩ đành bất lực. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam ghép được hơn 5.220 ca, trong đó 318 ca là từ người cho chết não. Một con số quá khiêm tốn so với hơn 1.500 ca chấn thương sọ não mỗi năm. Mỗi năm chúng ta chỉ vận động được khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Năm 2019 cao nhất cũng chỉ có 20 người cho chết não. Con số này so với các nước châu Âu là quá nhỏ” - theo ông Sơn.
Còn ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng, nên bỏ độ tuổi tối đa được phép hiến tạng mà thay vào đó là quy định nếu bệnh nhân có mong muốn và người nhà đồng ý thì chúng ta được phép tiến hành ghép tạng.