Chủ động phương án thi khi dịch Covid-19 kéo dài
Trong Báo cáo tới đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ đã công bố Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH - CĐ) năm 2022 theo hướng giữ ổn định phương thức tổ chức thi/tuyển sinh như các năm 2020, 2021.
Đáng chú ý là việc chủ động xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm.
Giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Về kỳ thi THPT quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT), Bộ GDĐT nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với GDĐT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo 2 đợt. Kỳ thi đã được tổ chức thành công, bảo đảm khách quan, nghiêm túc, công bằng và an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hiện, Bộ đã công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2022 theo hướng giữ ổn định phương thức tổ chức thi/tuyển sinh như các năm 2020, 2021; đồng thời tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ GDĐT, cũng như của các địa phương, cơ sở giáo dục trong chỉ đạo, tổ chức thi/tuyển sinh.
Đối với công tác tuyển sinh ĐH - CĐ, Bộ GDĐT khẳng định, tinh thần là cơ sở giáo dục ĐH tự chủ và chịu trách nhiệm về tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh, có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến; bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh.
Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện truyền thông sâu rộng và xúc tiến chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và các phần mềm chuyên dụng, để thực hiện tốt công tác thi/tuyển sinh năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ GDĐT cũng cho biết đã, đang và sẽ tham khảo ý kiến rộng rãi các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, giáo viên và học sinh để xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm, bảo đảm thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Cân đối các phương án tuyển sinh
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua, có nhiều ý kiến lo ngại về việc “bùng nổ” các kỳ thi riêng của không ít trường ĐH gây tốn kém, vất vả cho thí sinh và xã hội. Yêu cầu đặt ra là tăng tự chủ nhưng phải rốt ráo gắn với trách nhiệm của các trường ĐH, đặc biệt là giám sát tuyển sinh.
Hiện đã có nhiều trường chủ động lên phương án tuyển sinh ĐH - CĐ 2022. Đơn cử như thông tin mới nhất từ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường sẽ giảm mạnh chỉ tiêu từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022. Trong dự kiến phương thức tuyển sinh ĐH năm 2022 của trường, 60 - 70% chỉ tiêu sẽ dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, dự kiến được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Với phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 10 - 20% cho một số chương trình đào tạo. Như vậy, chỉ tiêu vào ĐH Bách khoa Hà Nội từ phương thức này đã giảm mạnh so với mùa tuyển sinh năm 2021. Trước đó năm 2021, trường dành tới 50 - 60% tổng chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Tỷ lệ này sau đó tăng lên do kỳ thi đánh giá tư duy bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2022, những ngành có tỷ lệ chọi cao sẽ tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL), vì nếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là sẽ rất khó khăn. Ngành nào điểm chuẩn vừa vừa thì vẫn sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Việc đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh ĐH năm 2021, như: xét học bạ THPT, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn, thi ĐGNL... được xem như việc rộng cửa cho thí sinh vào ĐH. Nhưng nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ lo lắng về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh liệu có được đảm bảo hay không?
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, xu hướng các trường sẽ ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn là đúng. Tuy nhiên, việc cân đối chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh vẫn là điều cần phải tính toán kỹ bởi có thể gây sốc cho thí sinh và xã hội nếu giảm đột ngột chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.