Xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO): Không được quyền thỏa thuận tài sản của nhà nước!
Người đại diện của TISCO có ý kiến đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền 830 tỷ, nhưng đã bị đại diện Viện Kiểm sát (VKS) bác bỏ với lý do vốn nhà nước chiếm tới 65% ở TISCO.
Ngày 10/11, Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Với tư cách là nguyên đơn, người đại diện cho TISCO - ông Phùng Quang Cường nêu ý kiến với Hội đồng xét xử (HĐXX) là “không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại 830 tỷ đồng” vì cho rằng nếu căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì thiệt hại của dự án còn nhiều hơn 830 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về nhiều cá nhân, đơn vị khác chứ không riêng các bị cáo trong vụ án này. Đồng thời, ông Cường bày tỏ mong muốn HĐXX xét đến các đóng góp và công lao của các bị cáo đã gắn bó cho sự phát triển của TISCO để chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt và miễn, giảm bồi thường dân sự cho các bị cáo.
Tuy nhiên, tại tòa đại diện VKS đã bác bỏ và cho rằng: TISCO là doanh nghiệp chỉ có 35% vốn đầu tư tư nhân, phần còn lại là vốn của Nhà nước nên thiệt hại phần lớn là tài sản Nhà nước. TISCO không đủ tư cách để không đòi bồi thường. Đáng lẽ trong 30 tháng dự án phải hoàn thành nhưng qua gần 15 năm vẫn chưa hoàn thành mà TISCO lại bảo không có thiệt hại? Tài sản nhà nước là thứ không được quyền thỏa thuận.
Đại diện VKS cũng đề nghị tòa phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo, đồng thời bác toàn bộ kháng cáo của 10 bị cáo còn lại. Bị cáo Đậu Văn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNS) và Hoàng Ngọc Diệp (cựu thành viên HĐQT VNS) được đề nghị giảm nhẹ hình phạt vì đã khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 60 tỷ đồng. Đối với các bị cáo còn lại, đại diện VKS cho rằng, tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, mức án phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo là hợp lý, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO) bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù, buộc khắc phục hậu quả với số tiền 130 tỷ đồng. 5 bị cáo bị tuyên phạt về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhận mức án từ 18 tháng tù treo đến 2 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm đến 8 năm 6 tháng tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.” Trong đó bị cáo Mừng giữ vai trò chính, chỉ đạo hành vi phạm tội tại dự án của TISCO.
Trên cương vị Tổng Giám đốc TISCO và chịu trách nhiệm toàn bộ về dự án, bị cáo Mừng đã không có giải pháp, không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng và báo cáo việc hủy đấu thầu khi phát hiện nhà thầu Tập đoàn Khoa học, công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng. Các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức, thực hành thông qua việc tham mưu, đề xuất và thực hiện những chỉ đạo của ông Mừng và ông Tinh. Hậu quả, dự án bị chậm tiến độ, gây thiệt hại tài sản rất lớn cho Nhà nước. Những kháng cáo của các bị cáo này một lần nữa bị đại diện VKS bác bỏ.